Năm 1994, khi nền kinh tế Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn khó khăn, ít ai nghĩ tới một phân xưởng nước giải khát Bến Thành sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam. Thậm chí đang tiến sát mục tiêu doanh thu tỷ USD, xuất khẩu đi 20 thị trường quốc tế, vượt qua các ông lớn nước giải khát trong ngành hàng nước uống tốt cho sức khỏe.
Phân xưởng Bến Thành và Tân Hiệp Phát bây giờ làm nên kỳ tích từ triết lý mà nhà xuất bản Forbes gọi là “không gì là không thể” và văn hóa xem doanh nghiệp như đại gia đình.
Giới kinh doanh đánh giá, đằng sau sự thành công của Tân Hiệp Phát là nỗ lực của từng thành viên trong “đại gia đình” và mắt xích kết nối quan trọng nhất xuất phát từ sự gắn bó keo sơn của vợ chồng nhà sáng lập Trần Quí Thanh.
Trong cuộc nói chuyện với phóng viên, bà Phạm Thị Nụ vẫn còn nhớ rõ nỗi cực nhọc của đôi vợ chồng mới cưới kiếm kế sinh nhai bằng nghề buôn đường cát. Bà kể cả lúc bụng mang dạ chửa vẫn đèo chiếc Honda 67 lên Tây Ninh buôn đường. Trong bối cảnh khó khăn của năm 1979, vợ chồng Trần Quí Thanh không có chút hình dung nào về viễn cảnh đến với cuộc đời họ sau này.
“Mới nhìn nhân viên Coca Cola, ông Thanh đã sợ huống hồ là gặp gỡ giám đốc của tập đoàn “cá voi” này”, bà Nụ mô tả.
Tuy nhiên, cho dù bước vào hôn nhân chỉ với hai cái chén và hai đôi đũa, ông Thanh vẫn có đầy đủ tố chất của một người làm kinh doanh sẵn sàng xông vào thương trường như đi đánh trận. Ý chí, lòng kiên định và tinh thần nhất quán với những ý tưởng kinh doanh của ông Thanh được cho là đã đưa hai vợ chồng đến hết chặng đường này đến ngã rẽ khác.
Sau khi buôn đường cát, gia đình tiến lên buôn bán nước ngọt, rồi chuyển sang sản xuất bia. Năm 1994, ông Thanh mua thanh lý một dây chuyền, thực chất là một mớ phế liệu, để bắt đầu chinh phục những kế hoạch lớn lao hơn. Phân xưởng nước giải khát Bến Thành ra đời, tạo tiền đề phát triển Tân Hiệp Phát ngày nay.
Với dàn máy gần như là phế liệu, chàng kỹ sư Bách Khoa tự mày mò cải tạo thành dây chuyền sản xuất nước giải khát. Chỉ 5 năm sau, nhờ tích cóp và mua đất, ông Thanh mua thêm được dàn máy hiện đại nhất nhì Đông Nam Á, làm tiền đề phát triển Tân Hiệp Phát thành công ty nước giải khát phát triển nhanh nhất nhì thị trường.
Trên con đường phát triển cơ nghiệp gia đình, số lần Tân Hiệp Phát rơi vào những “nốt trầm” cũng nhiều như những giải thưởng, tiêu chuẩn trao cho doanh nghiệp ở những “nốt thăng”.
Biến cố đầu tiên diễn ra vào năm 2003, khi đang ở vị thế thứ ba trên toàn quốc trong ngành bia, Tân Hiệp Phát táo bạo đầu tư toàn bộ hệ thống từ Đức, sản xuất bia đóng chai, cho ra đời bia Laser. Sản phẩm mang theo ước mơ tạo sự đột phá đã gánh chịu thất bại đau đớn khi không thể cạnh tranh với những thương hiệu mạnh khác.
Đến 2014, khi công ty đang kẹt tiền để khởi công nhà máy Number 1 Chu Lai, nguồn vốn tự có không đủ trang trải trong khi ngân hàng đang giữ phần lớn số tiền tiết kiệm của gia đình lại rơi vào kiện tụng. Bà Phạm Thị Nụ gặp cơn tai biến dẫn đến liệt nửa người. Cũng vào giai đoạn đó, công ty liên tiếp rơi vào khủng hoảng truyền thông.
Sau 3 năm, với câu nói xuyên suốt từ những ngày cơ hàn của những năm 1970 “không gì là không thể”, Tân Hiệp Phát băng qua sóng gió, xây dựng hoàn chỉnh 3 nhà máy sản xuất nước giải khát, lắp 10 dây chuyền vô trùng vô khuẩn Aseptic (Đức) được đánh giá là hiện đại nhất châu Á. Sức khỏe bà Nụ khá lên, tiếp tục là “cánh tay mặt” của ông Thanh như lời hứa từ những ngày son rỗi. Hai người con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích song hành quản lý các mảng hoạt động của công ty dưới sự dẫn dắt của “Dr. Thanh”.
Năm 2019, công ty tiếp tục khánh thành nhà máy thứ tư đặt tại Hậu Giang, sản xuất các dòng sản phẩm chủ lực hướng đến xuất khẩu. Ông Trần Quí Thanh đặt mục tiêu đến năm 2023, công ty sẽ cán mốc doanh thu một tỷ USD. Trong tương lai, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng hướng đến mục tiêu xây dựng nhà máy tại nước ngoài để sản phẩm được người tiêu dùng khắp thế giới đón nhận.
Trần Uyên Phương, con gái đầu của ông Thanh và bà Nụ, hiện giữ chức Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát. Trong những cuốn sách viết về gia đình, Uyên Phương tiết lộ thành công của doanh nghiệp đến từ việc gìn giữ và phát huy giá trị cốt lõi, từ gia đình nhỏ họ Trần đến đại gia đình là doanh nghiệp với hàng nghìn nhân viên. Tại đây, không có chuyện dòng tộc được ưu tiên. Vợ con ông Thanh không nghiễm nhiên hưởng thụ thành quả. Mỗi người đều sắm một vai trò to lớn trong công cuộc đưa Tân Hiệp Phát vươn ra biển lớn.
Nếu ông Thanh là người lèo lái con tàu doanh nghiệp, thì bà Nụ là tay hòm chìa khóa, người thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh em nhân viên, là người luôn có mặt cho bất cứ ai tìm đến xin lời khuyên hay chia sẻ. Hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đảm nhiệm các vị trí đối ngoại, truyền thông, vận hành, quan hệ đối tác… Không có sự ưu ái nào, ngược lại, nhất cử nhất động của hai người con đều bị cha chất vấn từng chút một, nhằm đảm bảo sự công bình và hiệu quả hoạt động vì mục tiêu chung nhất, đó là thành công của hàng nghìn con người của đại gia đình “Dr. Thanh”.
Sự kết hợp kỹ nghệ tiên tiến của phương Tây và nền tảng văn hóa, giá trị gia đình của phương Đông khiến nhiều doanh nhân, chuyên gia trên thế giới coi Tân Hiệp Phát là điển hình tham khảo.
Tiến sĩ, bác sĩ Amit K. Trehan – cố vấn cấp cao tại Trung tâm Y tế bang Texas, là bạn học của Trần Uyên Phương tại chương trình đào tạo dành cho các nhà lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp (Đại học Harvard, Mỹ). Ông cho biết câu chuyện xây dựng văn hóa công ty Tân Hiệp Phát là trường hợp điển hình trong lớp học có 79 đại diện lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp thuộc 37 quốc gia.
“Khi Uyên Phương nói đến gia đình Tân Hiệp Phát cô ấy không chỉ nói về gia đình của người lãnh đạo mà là toàn thể đội ngũ nhân viên công ty. Điều đó xa lạ với các nền kinh tế tư bản phương Tây; còn ở phương Đông, không phải tổ chức nào cũng làm được”, ông Trehan nhận định.
Cũng chính nhờ triết lý gia đình xuyên suốt, công ty đã đồng lòng vượt qua người khổng lồ khi dám từ chối lời đề nghị mua lại Tân Hiệp Phát với giá 2,5 tỷ USD từ Coca Cola.
“Tinh thần quyết tâm vì mục tiêu đưa thương hiệu nước giải khát Việt ra thế giới chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, mọi quyết định của ông Thanh cũng như thế hệ kế thừa”, bà Phương diễn giải trong các cuốn sách của mình.
Những câu chuyện áp dụng triết lý gia đình vào doanh nghiệp khắc họa rõ nét qua hai cuốn sách của Trần Uyên Phương: Chuyện nhà Dr. Thanh và Vượt lên người khổng lồ. Hai quyển sách đã chinh phục người đọc bằng những câu chuyện chân thực, chia sẻ thấu đáo về nền tảng gia đình làm nên thành công của công ty ngày nay.
Những quyển sách còn là câu chuyện cảm động về cách gia đình Dr. Thanh vượt qua sóng gió lớn nhất từ trước đến nay, khi bà Nụ lâm trọng bệnh, làm lung lay trụ cột quan trọng nhất của gia tộc này.
Qua 40 năm cuộc hôn nhân đầy gian nan của ông Thanh và 25 năm nỗ lực vươn lên của “đứa con” Tân Hiệp Phát, gia tộc họ Trần đã gây dựng một cơ nghiệp đồ sộ hiếm hoi tại Việt Nam và là câu chuyện được cộng đồng doanh nhân quốc tế chú ý. Tân Hiệp Phát hiện sở hữu 4 nhà máy công suất hàng tỷ lít một năm, doanh thu tiến sát mức một tỷ USD, sản phẩm xuất khẩu đi 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong tương lai, tập đoàn này xác định sẽ tiếp tục vươn ra thế giới bằng cách thiết lập nhà máy, cơ sở kinh doanh tại từng thị trường, khẳng định với thế giới năng lực doanh nghiệp Việt và thành công đến từ nền tảng gia đình.
Năm 2019 là năm Tân Hiệp Phát kỷ niệm 25 năm thành lập, cũng là năm đánh dấu 4 thập kỷ gắn bó của vợ chồng nhà Dr. Thanh. Từ thuở hàn vi, trải qua gần nửa thế kỷ bạc đầu cùng nhau, ông Thanh vẫn giữ vai trò trụ cột với cánh tay mặt là bà Nụ, cùng hai người con sẵn sàng bước tiếp con đường kế thừa sự nghiệp của gia đình.
“Đó là những mắt xích bền chặt giúp kết nối đại gia đình Tân Hiệp Phát, đồng thời là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện những hoài bão lớn trên con đường chinh phục thế giới”, ông Trần Quí Thanh nói.
Nam Anh- Hằng Trịnh/ theo VN Express