Áp dụng chuyển đổi số để đổi mới sáng tạo

Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát khẳng định sự đổi mới sáng tạo cần nhận được sự đồng thuận xuyên suốt từ lãnh đạo tới nhân viên mới có thể mang lại kết quả cho doanh nghiệp.

Vậy làm sao để một doanh nghiệp liên tục đưa tư duy đổi mới sáng tạo vào văn hoá để mỗi cá nhân nhận thấy được được điều này sẽ giúp họ theo kịp và thích ứng được với yêu cầu công việc”, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ trong hội thảo về đổi mới sáng tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Đòi hỏi sự cải tiến liên tục trong công việc

Lãnh đạo Tân Hiệp Phát chia sẻ rằng những điều mang đến thành công cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới sáng tạo là sự triển khai xuyên suốt và nhất quán. Trong đó, sự nhất quán về ý tưởng là một trong những điều quan trọng nhất.

Bởi khi đổi mới có nghĩa là làm những thứ khác đi so với hiện tại, nên không thể tránh khỏi những nghi ngờ từ nhiều phía. Thậm chí, tỷ lệ thất bại trong đổi mới cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng theo bà Phương đó là sau mỗi lần vấp ngã doanh nghiệp có thể rút ra được bài học gì cho những lần đổi mới tiếp theo.

Do đó, nữ tướng nhà Tân Hiệp Phát khẳng định: “Đổi mới sáng tạo cần bắt nguồn từ những người lãnh đạo, được họ nhất quán và đồng thuận xuyên suốt. Khi đó, đổi mới sáng tạo mới có thể đem đến những kết quả cho doanh nghiệp.”

Bà Phương cho biết, tư duy đổi mới sáng tạo đã trở thành một thước đo trong bộ năng lực lãnh đạo của Tân Hiệp Phát. Có các cấp độ khác nhau với từng vai trò và cấp bậc tại tập đoàn từ lãnh đạo tới nhân viên. 

Đơn cử, cấp nhân viên được đòi hỏi về sự cải tiến liên tục, chuyên viên được đòi hỏi về sự thích ứng… trong khi cấp lãnh đạo cần tìm giải pháp để hoàn thành mục tiêu được giao bất chấp những khó khăn trong dịch bệnh.

Cơ hội thay đổi đến từ khó khăn

Theo chia sẻ từ Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, dịch bệnh đã khiến các hoạt động gắn kết người tiêu dùng với doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Trong giai đoạn giãn cách, Tân Hiệp Phát đã tìm ra cách để tiếp cận người tiêu dùng.

Doanh nghiệp đã tổ chức được 6 số “Không độ – Chill and Cool Show”, mỗi tuần một số, để đem đến tính giải trí, gắn kết người tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ trong thời gian làm việc tại nhà. Đáng chú ý là chương trình này đã diễn ra thành công trong bối cảnh giãn cách xã hội, không một đơn vị nào có thể quay hay tạo một event.

“Không phải vì lý do giãn cách mà đội ngũ marketing nhà Tân Hiệp Phát bị dừng lại mà đó là những tiêu chí, những yêu cầu buộc nhân viên Tân Hiệp Phát phải sáng tạo hơn để kết nối được với người tiêu dùng”, bà Uyên Phương nói.

Hay như trong thời dịch, vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất là sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Do đó, Tân Hiệp Phát cũng đã tung ra các sản phẩm mới mang nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng với giá thành phải chăng, phù hợp với túi tiền của phần lớn khách hàng.

“Hiểu được khó khăn của khách hàng trong thời dịch, chúng tôi cũng đưa ra nhiều hỗ trợ về giá như giữ ổn định, cam kết không tăng giá, liên tục hỗ trợ họ bằng các chương trình khuyến mãi. Đồng thời Tân Hiệp Phát cũng đồng hành với các đại lý, nhà phân phối để mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng ở mức giá tốt”, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ.

Theo bà, chính người tiêu dùng và những khó khăn là cơ hội để cho người Tân Hiệp Phát thay đổi.

Áp dụng chuyển đổi số để đổi mới sáng tạo

Một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp quan tâm trong thời kỳ giãn cách xã hội cũng như hậu COVID-19 đó chính là đổi mới về mặt công nghệ. Trong thời gian qua, Tân Hiệp Phát vẫn tuân thủ quy định, tức cho nhân viên nhà ở vùng xanh đi làm, còn người ở vùng vàng và cam sẽ làm việc ở nhà. 

Do đó, theo chia sẻ từ lãnh đạo tập đoàn, trong 125 ngày giãn cách, công ty đã ứng dụng hệ thống văn phòng ảo Work From Home và công nghệ này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc vận hành tổ chức.

Hơn nữa, một trong những nền tảng mà Tân Hiệp Phát xây dựng để làm bàn đạp cho quá trình chuyển đổi số chính là mời một đơn vị tư vấn thiết lập lại toàn bộ quy trình cho tập đoàn. Theo bà Phương, đó cũng là nền tảng giúp tập đoàn đạt giải vàng chất lượng.

“Nhờ việc vận hành quy trình rõ ràng trong việc phân quyền, nhân viên sẽ nhìn thấy vai trò của họ trong tổ chức, giúp họ nhìn thấy lộ trình phát triển. Chính những điều này đã giúp Tân Hiệp Phát thực hiện quá trình chuyển đổi số trong mùa dịch, hỗ trợ làm việc dễ dàng hơn”, bà Phương cho biết. 

Một số hình thức đổi mới trong mùa dịch tại Tân Hiệp Phát có thể kể đến như chấm công qua zoom, họp tại nhà, đưa văn phòng ảo vào hoạt động đào tạo,…

“COVID-19 là cơ hội để toàn bộ nhân viên Tân Hiệp Phát thay đổi. Thực tế, nếu họ không thay đổi, tổ chức sẽ không thể duy trì được. Đây là một cú hích”, bà Phương nhấn mạnh.

Nguồn: https://thanhtra.com.vn/kinh-te/kinh-te-tong-hop/ap-dung-chuyen-doi-so-de-doi-moi-sang-tao-194266.html