Nỗ lực của doanh nghiệp trong việc hiện thực hoá mục tiêu Net Zero

Hoàng Ngân – Vietnam Finance


Trong tiến trình thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050, sự tham gia của cả Chính phủ và Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Nhiều sáng kiến, hành động cụ thể được các bên đưa ra và nỗ lực hiện thực hoá.

Khi Chính phủ và Doanh nghiệp cùng quyết liệt hành động

Theo cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới nền kinh tế carbon thấp, đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2045.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định phê duyệt đề án về nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả biến đổi khí hậu tại COP26; trong đó nêu rõ mục tiêu các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quốc gia, ngành và địa phương cần được rà soát, cập nhật và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu hướng tới Net Zero.

Ngoài ra, nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cũng được đề xuất. Trong đó phải kể đến chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; xây dựng và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định, ban hành Kế hoạch thực hiện cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…

Các doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp chiến lược để chinh phục mục tiêu Net Zero ngay từ sớm

Song song với hành động của Chính phủ, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng có những bước triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới mục tiêu Net Zero và có các hành động cụ thể. Việc hướng tới Net Zero, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững không chỉ là “chiếc áo thời trang” để làm đẹp cho doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển dài hạn.

Những nỗ lực này bao gồm việc quản lý khử carbon, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, từ đó mang lại kết quả kinh doanh và sản phẩm ấn tượng. Việc tuân thủ mục tiêu chung cuẩ quốc gia không chỉ đóng góp chung vào việc ứng phó với BĐKH mà còn là cơ hội, động lực để doanh nghiệp chuyển đổi nền kinh tế theo hướng bền vững, thậm chí trở thành doanh nghiệp tiên phong. Một trong những điển hình đó phải kể đến các doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Vissan…

Doanh nghiệp chủ động vượt qua thách thức

Nhìn vào bức tranh thay đổi của các đơn vị trong giai đoạn hiện nay có thể thấy, nỗ lực thực hiện mục tiêu Net Zero không chỉ giúp doanh nghiệp có những bước đi bài bản, mà đã dần tạo ra tác động lên cả “hệ sinh thái” khi thay đổi tư duy về sản xuất xanh, bền vững trong từng quy trình sản xuất.

Tân Hiệp Phát từng bước tiến tới mục tiêu Net Zero với công nghệ chiết rót vô trùng Aseptic

Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nỗ lực hiện thực hoá mục tiêu Net Zero. Thông qua việc hợp tác cùng GEA Procomac – một trong những nhà cung cấp hệ thống dây chuyền công nghệ (máy móc, nhà máy, đóng gói…) lớn nhất thế giới cho ngành thực phẩm, đồ uống và dược phẩm, hệ thống dây chuyền Aseptic đã xuất hiện tại các nhà máy của Tân Hiệp Phát trên khắp cả nước.

Cũng từ đây, các sản phẩm nước giải khát có lợi cho sức khỏe đã ra đời. Các chai đựng của Tân Hiệp Phát nhờ ứng dụng hệ thống chiết rót thế hệ thứ 7 của GEA đã giảm được trọng lượng chai đựng tới 50%, từ 27 gr xuống còn 13,5 gr, tương đương với lượng phát thải khí nhà kính CO2 giảm 20% trên mỗi chai sản phẩm.

Không những vậy, nhờ công nghệ chiết rót – đóng nắp ở nhiệt độ thường, công nghệ Aseptic cũng giúp giảm nhu cầu sử dụng năng lượng. Quá trình tiệt trùng UHT sử dụng công nghệ ít tác động đến môi trường và có thể thu hồi nhiệt, giúp tiết kiệm năng lượng đến 90%, trong khi đó quá trình thu hồi nhiệt ở công nghệ chiết nóng chỉ đạt 60%.

Ông Vincent Mauer – Giám đốc điều hành Công ty TNHH GEA Việt Nam chia sẻ giải pháp chiến lược cùng Tân Hiệp Phát

Tại hội thảo “Hướng tới Net-Zero: Chiến lược và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thực phẩm” thuộc triển lãm Vietfood & Beverage – Propack Vietnam 2024, ông Vincent Mauer – Giám đốc điều hành Công ty TNHH GEA Việt Nam cho biết GEA sẽ cùng Tân Hiệp Phát thực hiện một số dự án dựa trên cụm chiết rót vô trùng công nghệ GEA ECOSpin2 ZERO và công nghệ GEA Modulbloc.

Theo đó, hai bên sẽ tập trung phát triển về thiết bị để được công nhận nhãn dán “GEA Add Better” (là nhãn dán đảm bảo việc thực hành bền vững được tốt hơn). Mục tiêu trọng tâm vẫn là giảm lượng nhựa nhiều nhất có thể.

Công nghệ chiết rót Aseptic cũng sẽ đảm bảo giảm lượng nhựa, tăng hương vị cảm quan và thời hạn sử dụng của sản phẩm giúp tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn trên thị trường theo cách bền vững hơn.

Trong lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero năm 2050, ở nhóm ngành thực phẩm, công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), một trong những doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã có những bước đi quyết liệt trong việc giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Theo đó, Vissan đã đưa ra một loạt các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong toàn bộ chuỗi sản xuất của mình. Bên cạnh việc đo lường và phân tích phát thải, doanh nghiệp còn đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, tạo sự chuyển đổi từ khâu sản xuất, quản lý chất thải cho đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Không những vậy, ở các cửa hàng của Vissan, việc sử dụng túi nylon tự hủy sinh học và khay đựng thực phẩm bằng giấy cũng được áp dụng. Cùng với việc thay đổi vật liệu đóng gói, Vissan còn đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng từ lò hơi đốt trấu, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Ngành sữa Việt Nam cũng đang trên hành trình chinh phục thách thức của quy trình làm nông nghiệp bền vững, hướng đến mục tiêu chung phát thải ròng bằng không – Net Zero.

Tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), việc biến chất thải thành tài nguyên là một trong những điểm sáng trong nỗ lực hành động của doanh nghiệp, nhằm tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu chất thải phát sinh, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường.

Hệ thống xử lý chất thải hiện đại của Vinamilk cùng công nghệ biogas giúp giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2, chuyển hóa chất thải thành các tài nguyên như: phân bón hữu cơ cho đồng cỏ, khí metan để thanh trùng sữa cho bê, sấy cỏ làm thức ăn cho đàn bò.

Với lộ trình cụ thể là: giảm 15% khí nhà kính vào năm 2027, giảm 55% khí nhà kính vào năm 2035 và đạt Net Zero vào năm 2050, Vinamilk vừa có thêm 1 nhà máy đạt trung hòa carbon, nâng tổng số lượng nhà máy đạt chứng nhận này lên 3 đơn vị. Con số này cũng khẳng định sự kiên định và quyết liệt của Vinamilk trong việc giảm thiểu “dấu chân carbon” trên tiến trình đến Net Zero như cam kết.

Nhiều giải pháp hiện thực hóa mục tiêu Net Zero được các doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo “Hướng tới Net-Zero: Chiến lược và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thực phẩm”

Bên cạnh những nỗ lực mà doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện, nhiều chương trình cộng đồng cũng được tạo ra để thay đổi nhận thức, lối sống như phân loại, tái chế rác hay trồng cây xanh.

Đặc biệt, sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng đối với những sản phẩm bền vững hay nhà nước, chính phủ xây dựng chính sách, hành lang pháp lý để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững – đều sẽ là những động lực thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực hành động, theo đuổi các mục tiêu về phát triển bền vững, hướng tới Net Zero.

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/no-luc-cua-doanh-nghiep-trong-viec-hien-thuc-hoa-muc-tieu-net-zero-d115569.html