PV/ PHÁP LUẬT & XÃ HỘI
Xuất hiện trong chương trình “Nối trọn yêu thương” vừa qua, chị Nguyễn Thị Sa Ri đã khiến cộng đồng không khỏi cảm phục với bản lĩnh vượt lên số phận cùng tinh thần quyết tâm theo đuổi thể thao, giành được nhiều thành tích đáng tự hào dẫu xuất phát điểm không được may mắn.
Vượt lên chính mình – Sống trọn đam mê
Sinh ra bình thường giống như bao bạn bè cùng trang lứa, cơn sốt năm 3 tuổi đã cướp đi đôi chân của chị Sa Ri, từ đó chị không còn đi đứng được. Nhìn bạn bè xung quanh được đi học, được chạy nhảy, vui đùa, chị rất buồn và mơ ước cũng được đi học như các bạn. Đến năm 9 tuổi chị mới có cơ hội được đến trường song những năm đi học chị luôn cảm thấy mặc cảm. Sau khi học hết lớp 12, gia đình không có điều kiện để cho chị học đại học, chị đã rời quê lên TP Hồ Chí Minh học nghề tại trung tâm khuyết tật cho trẻ mồ côi.
“Môi trường đó có rất nhiều anh chị, bạn bè cũng khuyết tật, có khi còn nặng hơn mình nhưng họ rất lạc quan, rất vui tươi. Từ đó thúc đẩy trong tôi là phải không ngừng cố gắng” – chị Sa Ri nói.
Năm 2007, sau khi học xong khóa vi tính văn phòng, chị Sa Ri đi xin việc làm nhưng không được. Chị được chủ nhiệm CLB “Mái ấm Mùa Xuân” đưa về và gặp được rất nhiều những người khuyết tật nhưng họ vẫn tham gia thể thao, đặc biệt là môn bơi lội. Từ đó, chị bắt đầu bén duyên với thể thao.
Chia sẻ về quá trình tham gia bơi lội, chị Sa Ri cho biết: “Khi bắt đầu tham gia bất kỳ một môn thể thao nào cũng có những khó khăn đòi hỏi sự kiên trì, đối với tôi lại càng khó khăn hơn. Với một người bình thường, khi xuống nước có đôi chân sẽ dễ dàng giữ thăng bằng trong nước hơn là người khuyết tật. Người bình thường cố gắng 1 thì người khuyết tật phải cố gắng gấp đôi thì mới có thể bơi được. Bởi, khi xuống nước nếu bị chìm, không có hai chân để trụ, chỉ có thể dùng tay để làm cơ thể nổi lên”.
Chỉ sau 6 ngày tập là chị đã bơi được 50m và sau 3 tháng chị tham gia giải toàn quốc tại Thừa Thiên Huế và đạt được 3 Huy chương Vàng. Đây là năm đánh dấu cột mốc đầu tiên trong sự nghiệp thể thao của chị Sa Ri. Năm 2010, chị vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng Ba. Đây là phẩn thưởng vô cùng quý giá trong cuộc đời của một vận động viên, đặc biệt là vận động viên khuyết tật, cũng là động lực thúc đẩy chị luôn cố gắng không ngừng. Năm 2023, chị đạt Huy chương Vàng Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2023 – ASEAN Para Games 12.
Sau khi tham gia thể thao đạt được nhiều thành tích cao, chị dành dụm tiền thưởng từ thành tích thi đấu gửi về cho gia đình trả nợ, một phần dành lại để có học phí bước chân vào giảng đường đại học. “Trước kia tôi là người rất bi quan, ít khi tiếp xúc với mọi người. Từ khi tham gia bơi lội, sức khỏe của tôi tốt hơn, đặc biệt là cảm thấy tự tin. Bơi lội không thể thiếu và là bàn đạp để tôi tiến bước trong cuộc sống” – chị Sa Ri chia sẻ.
Trong quá trình tham gia thể thao cũng có nhiều thăng trầm. Có những năm đạt được thành tích cao nhưng cũng có khi bỏ ra nhiều thời gian luyện tập mà không đạt được huy chương. Sự nghiệp thể thao của một vận động viên ngắn, nhưng chị Sa Ri tâm niệm khi nào còn sức khỏe thì mình vẫn tiếp tục gắn bó.
Lớp học 0 đồng cho học sinh nghèo
Không chỉ là một vận động viên với nhiều thành tích trong và ngoài nước, chị còn là người truyền cảm hứng về nghị lực sống, giúp đỡ những học sinh nghèo ở quê nhà.
Từ năm 2014, chị cùng con gái về sinh sống tại Long An. Đến năm 2016, chị bắt đầu dạy tiếng Anh cho con gái và các cháu trong gia đình. Hàng xóm thấy chị biết tiếng Anh cũng muốn gửi con cháu nhờ chị dạy. Lớp học bắt đầu chỉ có 5, 7 bé, rồi có thời điểm lên đến 20 bé. Các lớp học 0 đồng từ đó được mở ra. Các bé đều có hoàn cảnh khó khăn, có bé là con của công nhân, người thu ve chai cho nên không có điều kiện để đi học thêm như các bạn.
“Ngày trước đi học tôi học kém môn tiếng Anh, mỗi lần thầy vào lớp tôi cảm thấy rất sợ. Tôi mở lớp học này dành cho những bạn cũng có hoàn cảnh như mình ngày trước không có điều kiện đi học thêm có thể học được kiến thức căn bản. Các bạn đến đây học cũng mang đến cho mình niềm vui nên mình nghĩ dạy cho các bạn cũng là dạy cho mình. Khi mình cười với người khác, cười với cuộc đời thì chắc chắn cuộc đời sẽ cười lại với mình” – chị Sa Ri nói.
Em Võ Trần Bảo Ngọc (xã Phước Đông, huyện Cần Đước, Long An) cho biết cô Sa Ri không chỉ dạy em tiếng Anh và giúp em tự tin hơn mà còn là tấm gương để các em noi theo.
Câu chuyện ý nghĩa của chị Nguyễn Thị Sa Ri đã trở thành chủ đề chính trong chương trình “Nối trọn yêu thương” phát sóng trên kênh truyền hình VTV1 vừa qua. Là khách mời đặc biệt đồng hành cùng chương trình, chị Vũ Phương Thanh – Nữ vô địch giải Swiss Ultra 2022 cũng là đại diện Công ty Tân Hiệp Phát bày tỏ sự khâm phục trước nghị lực của chị Sa Ri và ngưỡng mộ thành tích bơi lội của vận động viên. “Khoảnh khắc giành chiến thắng chỉ cách nhau vài giây trong thành tích nhưng đó lại là hành trình dài mà chị Sa Ri đã phải cố gắng rất nhiều”
Trò chuyện cùng nhân vật có cùng đam mê thể thao và mong muốn đóng góp giá trị cho nền thể thao nước nhà, Vũ Phương Thanh chia sẻ: “Giải gần nhất tôi tham gia kéo dài 500km trong băng tuyết, có những khoảnh khắc rất đơn độc. 10 ngày ở vùng đất mênh mông như vậy, có khi buổi tối phải đào tuyết để ngủ, tôi đều nhớ đến câu nói của 1 nhân vật trong chương trình đã từng chia sẻ. Đó là “Thanh hãy cố lên, đi cho những người không đi dược”. Câu nói đó làm tôi thấy mình cần phải cố thêm, cố thêm chút nữa”.
Trong chương trình “Nối trọn yêu thương” đại diện Công ty Tân Hiệp Phát đã trao phần quà ý nghĩa tới chị Nguyễn Thị Sa Ri với hành trình nỗ lực đóng góp cho thể thao Việt Nam và không ngừng truyền cảm hứng, tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.
Được biết, Tân Hiệp Phát cũng là đơn vị đồng hành cùng chương trình “Nối trọn yêu thương” trong suốt 6 năm vừa qua, tôn vinh những nhân vật truyền cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực đóng góp giá trị cho xã hội. Đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình, gặp gỡ, tiếp thêm động lực cho nhiều nhân vật và không ngừng lan tỏa tinh thần “không gì là không thể” đến cho cộng đồng.
Không chỉ mang yêu thương, tiếp nghị lực cho những mảnh đời khó khăn cho những nhân vật trong chương trình Nối trọn yêu thương, Tân Hiệp Phát còn là doanh nghiệp tích cực trong các những hoạt động chăm sóc, giúp đỡ đời đống cộng đồng từ bảo trợ 50 trẻ em mồ côi do Covid-19 đến năm 18 tuổi, thăm hỏi động viên tại các mái ấm, trao hàng ngàn học bổng giúp học sinh nghèo vượt khó tại địa phương cho đến các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi, xây nhà tình nghĩa tri ân các gia đình chính sách.
“Đối với Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp phát triển là phải song hành cùng với cộng đồng” – đại diện doanh nghiệp này khẳng định.