Không chỉ là doanh nhân thành đạt, bà Trần Uyên Phương còn là tác giả hai quyển sách Chuyện nhà Dr. Thanh, Competing with Giants (Cạnh tranh với người khổng lồ) được Forbes xuất bản ở Mỹ. Trò chuyện với phóng viên Doanh nhân Sài Gòn, bà Trần Uyên Phương chia sẻ:
– Để Tân Hiệp Phát phát triển, chúng tôi cần những người cùng khát vọng, cùng tâm huyết. Cởi mở là cách mà tôi muốn tìm kiếm những người đồng hành trên thương trường. Qua 2 quyển sách cũng là cách tôi muốn cởi mở trong kinh doanh và lối sống.
Tân Hiệp Phát là một nhà sản xuất, xung quanh chúng tôi là bà con nông dân các vùng miền cung cấp nguyên liệu. Cùng với đó là hệ thống đại lý phân phối, đưa sản phẩm của Tân Hiệp Phát đến với người tiêu dùng. Thật khó để doanh nghiệp thịnh vượng khi người cộng tác với mình không có lợi nhuận, người lao động bán nguyên liệu cho mình không có cuộc sống tốt. Chúng tôi cần phải chia sẻ lợi ích với những ai đến với Tân Hiệp Phát, từ cộng sự cung cấp nguyên liệu, nhà phân phối và cả người tiêu dùng. Dĩ nhiên, lợi ích đôi lúc không chỉ là tiền bạc mà còn là sự chia sẻ kinh nghiệm, sự đồng hành của cộng đồng với doanh nghiệp trên thương trường.
* So với những “gã khổng lồ” đa quốc gia trong ngành nước giải khát, bà thấy Tân Hiệp Phát đang kém họ về mặt nào và đâu là lợi thế của Tân Hiệp Phát?
– Có thể ví các công ty đa quốc gia như là đế chế La Mã và nhà Hán xưa kia. Một khi đã đạt đến quy mô nhất định, các đế chế này bắt đầu bành trướng. Nhiều công ty đa quốc gia từ lâu đã thiết lập chi nhánh ở các nước tương thích với chính sách của “đại bản doanh” mà không làm giảm khả năng kinh doanh hiệu quả của nó. Tuy vậy, không phải lúc nào công ty mẹ cũng kiểm soát được mọi hoạt động của chi nhánh. Chẳng hạn, một số ngân hàng toàn cầu trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008 đã bị phạt sau khi thừa nhận các chi nhánh địa phương có dính dáng đến rửa tiền và các khoản quỹ từ những quốc gia bị cấm vận.
Khi một công ty đa quốc gia trở nên quá lớn, giải pháp được đưa ra là phải áp đặt kiểm soát nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này được chứng minh là phản tác dụng vì làm tăng thêm bộ máy hành chính, làm chậm quá trình ra quyết định và gây ức chế cho cấp dưới vì sự quan liêu, chậm chạp. Những công ty nhỏ hơn và độc lập hơn thường vận hành nhanh hơn so với các công ty đa quốc gia. Ví dụ, Tân Hiệp Phát đã nhanh chóng hợp lý hóa quy trình lập kế hoạch và khả năng thực thi. Là doanh nghiệp nhỏ, đi sau, còn thua kém các công ty đa quốc gia ở nhiều mặt, nhưng khi Tân Hiệp Phát muốn đầu tư vào công nghệ mới, chúng tôi có thể nhanh chóng đầu tư. Tân Hiệp Phát có thể đầu tư công nghệ tiên tiến hơn so với công nghệ mà một số công ty đa quốc gia đang sử dụng. Và thậm chí khi triển khai cùng một công nghệ, Tân Hiệp Phát có thể khai thác các phiên bản mới nhất của công nghệ đó nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Các công ty nội địa có thể “chơi nhu đạo” (judo), sử dụng chính lợi thế của các công ty đa quốc gia để vượt qua họ. Ví dụ, so với công ty nội địa, công ty đa quốc gia có thể tốn nhiều nguồn lực hơn để giải quyết một tình huống. Các công ty nội địa có thể ít nguồn lực hơn, nhưng lại học được cách làm thông minh và nhanh nhạy hơn. Thêm vào đó, là công ty bản địa, bằng cách cải tiến công nghệ, Tân Hiệp Phát có thể đem lại những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng với giá thành phải chăng nhất.
* Với thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Tân Hiệp Phát không chỉ được thừa nhận ở trong nước mà còn ở nước ngoài, nhưng có người vẫn băn khoăn về một số sản phẩm bị nêu tên là kém chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe…
– Cạnh tranh trong ngành đồ uống rất khốc liệt vì là ngành hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Mỗi sản phẩm có giá chỉ 5.000 đến 15.000 đồng, nếu người tiêu dùng cảm thấy sức khỏe bị ảnh hưởng không tốt, họ sẽ ngưng sử dụng ngay lập tức. Dưới góc độ sản xuất và marketing, bất kể một sản phẩm nào của Tân Hiệp Phát cũng nêu rõ lý do mà người tiêu dùng nên mua. Đây là điều quan trọng nhất. Nếu như lý do đó không đủ để người tiêu dùng móc túi trả tiền cho sản phẩm thì chẳng có lý do gì để sản phẩm đó tồn tại và phát triển.
* Bà có đề cập đến sự cố “con ruồi trong chai nước” trong tác phẩm Chuyện nhà Dr. Thanh nhưng chưa nói thấu đáo về bài học mà Tân Hiệp Phát có được về cách xử lý truyền thông?
– Tôi nhận thấy truyền thông không phải là mảng Tân Hiệp Phát mạnh. Tân Hiệp Phát khá thành công trong việc quảng bá tính năng sản phẩm nhưng về mặt truyền thông cho người tiêu dùng hiểu những gì Tân Hiệp Phát đã làm được, giá trị mà Tân Hiệp Phát hướng đến thì thú thật chúng tôi vẫn chưa làm tốt. Chúng tôi cần cải tiến để ngày càng minh bạch thông tin với người tiêu dùng. Người tiêu dùng rất muốn biết những cá nhân tạo ra sản phẩm mà họ đang dùng là ai, chủ doanh nghiệp đó là người như thế nào.
Từ trước đến nay, đối với gia đình Dr. Thanh, những chia sẻ cá nhân chưa bao giờ chúng tôi thấy cần, nhưng cho đến một lúc thì chúng tôi nhận thấy những điều mình tâm huyết nên được nói ra và chia sẻ với cộng đồng. Để có được Tân Hiệp Phát như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của mỗi thành viên trong gia đình, của hơn 5.000 cán bộ, công nhân viên còn phải kể đến một nhân tố vô cùng quan trọng, đó là hàng triệu người tiêu dùng đã ủng hộ và sử dụng sản phẩm của Tân Hiệp Phát trong mấy chục năm qua. Chia sẻ những chuyện về Tân Hiệp Phát cho cộng đồng cũng là cách để cộng đồng hiểu được những nỗ lực không ngừng của một tập thể vì người tiêu dùng.
Truyền thông có nghĩa là truyền đạt những thông tin để người nghe có thể thông. Khi được người tiêu dùng cảm thông họ sẽ đồng hành với chúng tôi. Với công việc đang làm, tôi cảm thấy càng chia sẻ được với cộng đồng nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
* Bà có thể cho biết tác phẩm Competing With Giants đã được bạn đọc đón nhận thế nào?
– Tôi rất ngạc nhiên, cuốn sách được bạn đọc ở Mỹ đón nhận tích cực. Một niềm vui khó tả khi anh Mai Hữu Tín – cựu Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho tôi biết anh thấy cuốn sách Competing with Giants trong nhà sách Scoop ở Trường đại học Harvard và trong danh sách best seller ở Mỹ. Trong tháng 5/2019, chúng tôi đã đón một đoàn sinh viên MBA của Harvard. Họ chọn Tân Hiệp Phát là một trong những công ty tại Việt Nam để nghiên cứu về quản trị kinh doanh.
Trong những cuộc giao lưu với bạn đọc ở nước ngoài, tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi về cuốn sách và những tiểu tiết mà tôi đã viết trong đó. Qua đó, tôi hiểu bạn đọc đọc cuốn Competing With Giants một cách nghiêm túc và có chính kiến trong từng luận điểm mà tôi đã viết, đặc biệt là những thông tin về nền kinh tế Việt Nam – một thị trường mới mà không phải ai cũng có cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm với nó.
* Là một nhà lãnh đạo của tập đoàn nước giải khát danh tiếng, bà có chia sẻ gì với cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là việc quản trị kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa?
– Không có công thức cho thành công. Điều tôi muốn chia sẻ với bạn đọc là bên cạnh việc mở rộng thị trường, xây dựng đội ngũ, nâng tầm dịch vụ để tồn tại và phát triển bền vững chính là định hướng của Tân Hiệp Phát. Năm nay là 25 năm Tân Hiệp Phát, chúng tôi muốn một Tân Hiệp Phát thêm tuổi càng thêm năng động, thêm thích nghi để phù hợp với thị trường và người tiêu dùng thay đổi liên tục, nhưng vẫn trung thành với sứ mệnh và tầm nhìn mà người sáng lập ra nó – Dr. Thanh đã định hình lúc ban đầu.
Từ định hướng mục tiêu đúng, chúng tôi đã kiên trì theo đuổi nó suốt một phần tư thế kỷ qua, dẫu rằng trên chặng đường đó đã gặp không ít khó khăn, thử thách. Tân Hiệp Phát của ngày hôm nay là kết quả của định hướng đúng đắn từ ban đầu và sự kiên trì theo đuổi vì mục tiêu đã định ra là tạo nên những loại đồ uống có lợi cho sức khỏe, dựa trên những lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam, cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam và đó cũng chính là những sản phẩm tạo nên sự khác biệt để thâm nhập thị trường khu vực và thế giới.
* Các thương hiệu nước giải khát của Tân Hiệp Phát đã được người tiêu dùng một số nước đón nhận, vậy đâu là bí quyết?
– Chúng tôi cam kết sản phẩm của Tân Hiệp Phát đạt chuẩn quốc tế từ nhà máy ở Việt Nam. Chúng tôi tập trung và nhất quán duy trì theo sứ mệnh là sản phẩm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng nhưng luôn khác biệt. Ví dụ Cola là hương vị quen thuộc và được ưa chuộng, nên chúng tôi chọn nước tăng lực Cola để duy trì không chỉ ngon mà còn giúp đầu óc tỉnh táo.
Trên cơ sở định hướng đó, chúng tôi cho ra đời những sản phẩm mới để thăm dò phản ứng của người tiêu dùng. Khi được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, tức đáp ứng được nhu cầu và giá phù hợp, sử dụng tiện lợi, có ích cho sức khỏe chúng tôi mới sản xuất đại trà. Khi chinh phục được thị trường trong nước, việc được một số nước đón nhận cũng là điều dễ hiểu. Hiện nay, sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã có mặt ở 16 quốc gia, và chưa dừng lại ở đó.
* Bà có thể tiết lộ một số dự định của Tân Hiệp Phát?
– Từ 2018, chúng tôi đã triển khai chương trình Up your service để thay đổi tư duy cán bộ, công nhân Tân Hiệp Phát. Nâng lên một bước về tạo ra giá trị cho khách hàng thay vì chỉ là sản phẩm tốt. Đó là điểm cốt lõi để chúng tôi cải tiến và khắc phục những điểm chưa phù hợp. Đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng khắt khe và chúng tôi phải có trách nhiệm thỏa mãn tốt nhất những đòi hỏi đó. Không chỉ hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm hiện có mà chúng tôi còn có kế hoạch cho ra đời những sản phẩm mới. Cùng với đó là nâng cấp hệ thống phân phối sản phẩm. Người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm của Tân Hiệp Phát thông qua những đơn đặt hàng trên smartphone và các thiết bị thông minh khác mà không nhất thiết phải ra siêu thị.
* Cám ơn bà về những chia sẻ thú vị!
PV/Theo Pháp luật xã hội