Trung Hiếu/ANTD.VN – Với những chủ dự án khởi nghiệp non trẻ, bí quyết thành công mà họ được học là hãy tìm cách “đứng trên vai của những người khổng lồ”. Những khóa học chia sẻ kinh nghiệm thương trường và quản trị doanh nghiệp chính là một cách như vậy, để các CEO trẻ được trải nghiệm hàng chục năm lăn lộn vất vả của CEO thành công, chỉ qua vài giờ “tu luyện”… Trong chương trình Vietnam CEO Congress 2018 vừa diễn ra, nhiều người đã học được cả kho kinh nghiệm quý báu của Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát – ông Trần Quí Thanh.
Tư duy khởi nghiệp: Ai cũng cần và đều áp dụng được!
Nhằm giúp cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp vững mạnh, đủ sức tấn công thị trường toàn cầu, vươn ra biển lớn thay vì chỉ định hướng những mục tiêu ngắn hạn trên thị trường nội địa, sự kiện Vietnam CEO Congress 2018 diễn ra trong hai ngày 17 và 18 tháng 8 mang tới những phần chia sẻ bổ ích từ 4 diễn giả giàu kinh nghiệm.
Trong đó, diễn giả chính và nổi bật nhất là ông Trần Quí Thanh – Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát.
Là người có nhiều trăn trở trong việc hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nhân Việt lớn mạnh, và đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp thú vị qua mục “Chat với mọi người” trên trang cá nhân, ông Trần Quí Thanh tiếp tục dành phần mở đầu tại Vietnam CEO Congress 2018 để nói về các yếu tố quan trọng giúp khởi nghiệp thành công.
Đặc biệt, nhà lãnh đạo tập đoàn trị giá hàng tỉ USD này đã mang tới một tư duy mới mẻ: Đừng nghĩ rằng khởi nghiệp là phải mở ra một doanh nghiệp! Hãy tư duy khởi nghiệp từ chính vị trí công việc hiện tại của mình!
“Luôn nghĩ lớn để không bằng lòng với những gì đã có hiện tại” là tư duy đặc biệt của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát, trong chiến lược “Vươn ra biển lớn”
“Có những bạn trẻ vừa ra trường, nảy ra ý tưởng khởi nghiệp và nghĩ rằng đó là con đường duy nhất để start-up. Không hẳn như vậy, khởi nghiệp đòi hỏi rất nhiều yếu tố, không chỉ là ý tưởng, mà còn cả tri thức, kỹ năng quản trị, vốn… Do vậy, kể cả khi bạn đang đi làm thuê, hãy tạo cho mình tư duy khởi nghiệp từ vị trí hiện tại, làm chủ công việc của mình. Đó sẽ là tiền đề tốt cho nỗ lực khởi nghiệp về sau!”, ông Trần Quí Thanh bày tỏ.
Nhà lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ thêm rằng, khi một doanh nghiệp start-up đi vào hoạt động, thuận lợi luôn nhiều hơn khó khăn – điều khá mâu thuẫn trong suy nghĩ của không ít người.
Theo giải thích của ông Thanh, start-up thuận lợi là vì… chưa ai quan tâm tới mình, người chủ dự án có thể thoải mái vận hành cỗ máy quy mô nhỏ. Cho tới khi thành công chớm nở, cũng là lúc doanh nghiệp đối mặt với vô số thách thức: Từ việc mô hình hoạt động bị các thế lực có vốn và kinh nghiệm nhòm ngó, tăng sức ép cạnh tranh, cho tới việc mâu thuẫn chia sẻ quyền lợi, chia rẽ nội bộ…
“Bởi thế, khi tư duy khởi nghiệp ngay từ vị trí hiện tại, bạn có thể học hỏi rất nhiều thứ, từ kinh nghiệm quản trị nhân lực, nguồn vốn cho tới chuyên môn. Khi cảm thấy bản thân thực sự tự tin thì lúc đó hãy nghĩ tới chuyện tách ra và bắt tay vào một dự án khởi nghiệp thực sự”, ông Trần Quí Thanh bày tỏ.
Dưới đây là clip ghi lại một số khoảnh khắc ấn tượng tại buổi chia sẻ:
Một ý kiến phản đối có thể “cứu” thua lỗ cả chục tỉ đồng
Trong những kinh nghiệm đúc rút sau hàng chục năm lăn lộn trên thương trường, với cả thành công và thất bại, nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, một bí quyết thành công quan trọng là người lãnh đạo phải biết lắng nghe nhân viên cấp dưới bày tỏ ý kiến, đặc biệt là quan điểm phản đối, trái chiều.
“Nói đồng ý với ý kiến đã đưa ra thì rất dễ, nhưng nói phản đối mới khó, vì phản đối thì phải chỉ ra được những cơ sở bất cập, mâu thuẫn. Tôi luôn trân trọng, thậm chí đặt ra quy định để tạo áp lực cho nhân viên, để họ chủ động đưa ra ý kiến cá nhân về mọi vấn đề của doanh nghiệp”, ông Trần Quí Thanh chia sẻ.
Đã có không ít trường hợp, vị lãnh đạo này nảy ra ý tưởng và “quyết tới 80%” rồi. Nhưng khi đưa ra bàn với các cộng sự, 20% vấn đề bị đặt câu hỏi ngược và bản thân “ông chủ tập đoàn” không trả lời được, thì ý tưởng sẽ bị dừng lại ngay lập tức, để tìm cách giải quyết. Và nếu không có giải pháp hợp lý, ý tưởng sẽ bị loại bỏ, dù cho đây là ý tưởng của người lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp.
“Không có chỗ cho sự bảo thủ, nhất là bảo thủ cực đoan, khi điều hành doanh nghiệp. Cần phân biệt sự quyết đoán với bảo thủ!”, “Dr.Thanh” khẳng định.
Rất nhiều độc giả mua cuốn sách “Chuyện nhà Dr.Thanh” muốn được ông Trần Quí Thanh ký tặng
Song hành với phần trình bày của ông Trần Quí Thanh là những chia sẻ không kém phần thú vị của chị Trần Uyên Phương – “ái nữ” nhà “Dr.Thanh”, và hiện là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Nói rõ hơn về yếu tố lãnh đạo cần biết lắng nghe, chị Phương chia sẻ rằng, bản thân Tân Hiệp Phát từng có những bài học vô cùng sâu sắc. Đó là khi ban lãnh đạo khích lệ các nhân viên nói ra ý tưởng, suy nghĩ của mình, và không bỏ sót ý kiến nào, dù là nhỏ nhất, thì những thành công đã đến, trong khi thất bại tiềm tàng được chặn đứng.
“Có thể bạn chưa biết, có những sản phẩm của Tân Hiệp Phát đến từ ý tưởng của một nhân viên rất bình thường, nhưng lại trở nên thành công. Ngược lại, có những ý tưởng được quyết đến 99% rồi, nhưng khi 1% nêu ra quan điểm đáng suy nghĩ, có tính phản biện cao thì mình phải dừng lại. Và thực tế đã chứng minh, 1% đó lại cứu cho doanh nghiệp tránh những khoản lỗ hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng”, nữ doanh nhân trẻ bày tỏ.
Những cánh tay của các CEO giơ lên hưởng ứng trước chia sẻ của lãnh đạo Tân Hiệp Phát
Sau mỗi chia sẻ tâm huyết, các lãnh đạo của Tân Hiệp Phát lại nhận được những tràng vỗ tay không ngớt. Chắc chắn đó không chỉ là tràng vỗ tay hưởng ứng trước những chia sẻ hữu ích, mà còn là biểu hiện thay lời cảm ơn mà những doanh nhân, CEO trẻ có mặt tại Vietnam CEO Congress 2018 dành cho “người khổng lồ” trong lĩnh vực nước giải khát Việt Nam – một “người khổng lồ” vượt qua nhiều đối thủ quy mô quốc tế tại thị trường nội địa, để hướng tới mục tiêu “vươn ra biển lớn”, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu.