CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN TÂN HIỆP PHÁT: KHÔNG BAO GIỜ ĐÁNH MẤT GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH

Ông Trần Quý Thanh: Nhiều tiền thì không còn muốn đếm nữa.

Được thành lập từ năm 1994, Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát (THP) dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Trần Quý Thanh đã từng bước vươn vai lớn mạnh và trở thành doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn nhất Việt Nam.

Ông Trần Quý Thanh xuất thân từ kỹ sư cơ khí nhưng lại rẽ hướng kinh doanh ngành thực phẩm với công việc tại Tổng công ty thực phẩm Trung ương. Sau gần 20 năm, ông Thanh đã dẫn dắt Tân Hiệp Phát thành tập đoàn nước giải khát mang thương hiệu Việt Nam có doanh thu không kém cạnh Pepsi Việt Nam.

Cty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát hiện có vốn điều lệ 276 tỷ đồng, trụ sở chính tại Thị xã Dĩ An, tình Bình Dương. Bà Phạm Thị Nụ là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm TGĐ của công ty.

Tân Hiệp Phát chủ yếu phát triển, sản xuất và bán các sản phẩm nước giải khát cho 63 tỉnh thành Việt Nam và 16 quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm của Tân Hiệp Phát bao gồm trà thảo mộc, trà xanh, trà bí đao, nước uống vận động, nước tăng lực, sữa đậu nành và nước tinh khiết.

Trong một chia sẻ mới đây ngày 11/1 ông Trần Quý Thanh đã nói về “GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA MỘT CÔNG TY GIA ĐÌNH LÀ GÌ?”.

Ông Trần Quý Thanh cùng vợ và hai con.

Ông Thanh đã có những tâm sự gan ruột về quản lý điều hành công ty gia đình cũng như suy nghĩ của ông giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát.

“Sống trên đời này ai cũng có nhu cầu được để lại một cái gì đó. Người ta nói con người được sinh ra với hai bàn tay trắng, ra đi cũng với hai bàn tay trắng, có mang được gì theo đâu. Với một người bình thường thì họ mong muốn con cái được học hành tử tế, có nghề nghiệp đàng hoàng, gia đình hạnh phúc.

Với một người có tầm nhìn, có tư tưởng thì cái họ mong muốn để lại là một huyền thoại, một động lực cho thế hệ sau.

Tân Hiệp Phát vừa kỷ niệm 23 năm thành lập và vẫn duy trì là một công ty, tập đoàn gia đình như tầm nhìn ban đầu của tôi. Người ta hay hỏi tôi công ty gia đình là gì, làm sao để duy trì một công ty gia đình lâu dài, bền vững?

Tôi trả lời rằng, công ty gia đình là tập hợp những người có cùng cốt lõi gia đình. Thực ra trong một gia đình, mỗi thành viên có một đam mê, một chí hướng khác nhau; nhưng nếu tất cả các thành viên đều có chung giá trị cốt lõi thì không bao giờ đánh mất giá trị của gia đình mình cả.

Tôi hay dạy con tôi, công ty gia đình là công ty mà người nào tiếp nối, kế thừa thì phải phát huy giá trị sứ mạng của gia đình, của người sáng lập. Người kế thừa phải chịu trách nhiệm bảo quản di sản, để chuyển giao thế hệ sau vì chẳng ai mang theo cái gì cả. Trách nhiệm của người kế thừa rất nặng nề chứ chẳng phải sung sướng gì, vì họ phải biết tạo danh tiếng gia đình và để lại giá trị cho xã hội.

Làm sao để cuối cùng nhận ra tài sản này là của quốc gia chứ không phải của mình. Vì mình đóng góp cho xã hội, trả lại cho tổ quốc, cho quốc gia chứ chết cũng có mang được theo đâu

Kinh nghiệm từ tôi mà ra. Ít tiền thì còn đếm chứ nhiều tiền thì không còn muốn đếm nữa. Nhu cầu thì đơn giản ngày ăn ba bữa. Nhưng trong gia đình thì phải trung thành với giá trị cốt lõi, với văn hóa của gia đình mình.”, ông Trần Quý Thanh bộc bạch.

Tân Hiệp Phát đang có những bước trở lại hết sức ấn tượng trên thị trường giải khát. Theo VietnamReport, tập đoàn này đứng thứ 5 trong top 10 doanh nghiệp uy tín ngành đồ uống năm 2017.

Độ phủ kênh bán lẻ của Tân Hiệp Phát đạt tới 98% trên cả nước và dẫn đầu thị phần nước giải khát tốt cho sức khỏe. Sau khi chinh phục thị trường gần 20 quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng tỷ lện xuất khẩu lên 10% vào năm 2023.

Đây là những tín hiệu đầy lạc quan của hãng nước giải khát này trong hành trình vươn tầm châu Á và chinh phục những mục tiêu tham vọng hơn như đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2023 và 3 tỷ USD năm 2027.

Theo Đời sống Plus/GĐVN

Lê Lâm: