Chuyện màu áo vàng mang tên Number 1

“Chỗ này là quán của cô Năm, cô này chịu chơi lắm nha, dễ tính nữa, nhà có hai vợ chồng già bán nước uống mà dễ thương lắm. Mà xui quá hôm nay cô đóng cửa quán rồi” – anh Tạ Hoàng Vũ vừa chắt lưỡi vừa nói. Chiếc áo vàng anh mặc, đặc trưng của đội ngũ bán hàng Tân Hiệp Phát, đã sờn và bạc màu đi nhiều. Hơn hai năm làm trong đội ngũ Bán hàng Khu vực Hồ Chí Minh, anh Vũ  không chỉ nhớ từng ngóc ngách của Quận 10, 11 mà còn biết rõ đặc điểm của từng cửa hàng, tính tình từng người chủ. Với chiếc xe máy độc hành qua từng con hẻm, anh cũng như nhiều anh em khác chuyên chở biết bao nhiêu câu chuyện về nghề sales.

Ngày làm việc của anh Hoàng Vũ và các anh em áo vàng bắt đầu từ 7 giờ 30 với cuộc họp đầu ngày cùng Quản lý bán hàng khu vực (ASCM). Họ cùng nhau bàn bạc về việc làm trong ngày, các mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt và trao đổi về những khó khăn mà các salesmen đang vướng. Kết thúc cuộc họp, mỗi người một chiếc xe, trong màu áo vàng, áo trà sữa, các anh lại lên đường với thùng hàng sau lưng. “Bình thường còn chở nhiều hơn vậy nữa, bữa nay là ít đó, hôm nay có chương trình mới, hi vọng là mấy anh em sẽ làm việc hiệu quả”, anh Hoàng Vũ cho biết.

Nhân viên bán hàng chuẩn bị “lên đường”

Những ngã đường ngoằn nghèo của con hẻm 36, Ông Ích Khiêm, quận 11 nóng rực. Cách nhau vài chục mét, lại có quán bán nước giải khát, lớn nhỏ có đủ. Đây cũng là địa điểm làm việc của anh Hoàng Vũ và bạn salesmen. Trong hôm nay, hai anh phải thuyết phục các chủ quán và chốt đơn hàng các loại sản phẩm của Tân Hiệp Phát ở 34 địa điểm.

Trao đổi với khách hàng, kiểm tra hàng tồn, trưng bày,…là công việc quen thuộc của nhân viên sales 

Có lẽ, phải có mặt cùng các anh em salesteams mới hiểu hết những khó khăn và vất vả của họ. Mỗi địa điểm, nhân viên phải thực hiện theo đúng các bước bán hàng của phần mềm với thời gian quy định nhưng cũng phải linh hoạt trong cách nói chuyện, thuyết phục khách hàng của mình. Đôi khi chỉ để khách mua một lốc nước cũng rất khó khăn vì khách hàng có hàng trăm lý do để từ chối. Việc bị từ chối, bị tránh mặt là chuyện quá bình thường, chưa kể đến những lần xui xẻo còn bị khách lớn tiếng nạt nộ, thậm chí đuổi đi.

Không phải ai cũng có thể kiên trì với việc bán hàng

Không khó hiểu khi đội ngũ Salesteams thường có những biến động về nhân sự. Thực tế cho thấy, vì thu nhập trang trải cho cuộc sống, nhân viên bán hàng luôn phải nổ lực nhưng vì những khó khăn khi đi thị trường, không ít người phải từ bỏ công việc hoặc đổi nghề. Những người còn bám trụ với nghề sales phần lớn là do lương thưởng tại công ty tốt và yêu thích công việc bán hàng.

 

Khi được hỏi về “Đâu là điều thành công nhất của Tân Hiệp Phát?”, Tổng giám đốc Trần Quí Thanh đã nói: “Đó là triết lý về bán hàng, về marketing. Bởi vì với tôi, nghề bán hàng là nghề quan trọng nhất. Thế giới người ta tồn tại và phát triển được qua hàng trăm năm, hàng ngàn năm nay là vì có sự trao đổi hàng hóa dịch vụ. Nhưng bán hàng là một cái nghề trần ai, nhất là muốn bán nhiều, bán lớn, bán cho vài chục triệu người. Và điều quan trọng nhất của nghề bán hàng là có khả năng vượt qua phản bác để thuyết phục người khác”.

CEO Trần Quí Thanh dành nhiều thời gian huấn luyện đội ngũ Sales

Hiểu hơn ai hết về những khó khăn của người bán hàng, cùng với mong muốn Xây dựng đội ngũ – Nâng tầm dịch vụ, vì sự phát triển bền vững, Tập đoàn Tân Hiệp Phát luôn chú trọng vào việc chăm sóc cho đội ngũ Salesmen, salesteams.

Nâng tầm dịch vụ – UP Your Service là dự án trọng tâm được Ban lãnh đạo Tập đoàn triển khai  từ tháng 8/2018, hướng đến việc phục vụ đội ngũ nhân viên bán hàng. Chia sẻ trong một khóa huấn luyện của dự án, Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Bích nói: “Chu trình dịch vụ của Tân Hiệp Phát có thành công hay không là ở chỗ Salesmen có được phục vụ tốt không. Chúng ta phải trải nghiệm ở góc độ phục vụ cho Salesmen vì khi Salesmen cảm thấy vui, nhà phân phối cũng sẽ vui và từ đó Tân Hiệp Phát mới cải tiến lên cao hơn nữa”.

Nhiều khóa huấn luyện trực tiếp của dự án UP Your Service cũng được triển khai đến nhân viên bán hàng. Nói về mục tiêu trong một buổi huấn luyện dành cho Giám sát bán hàng, Anh Nguyễn Lạc, tư vấn viên của dự án UP Your Service cho biết, với địa điểm bán hàng, Giám sát phải đặt ra mục tiêu huấn luyện cho nhân viên mình. Ví dụ như mục tiêu tạo mối quan hệ với khách hàng, đề nghị đơn hàng hợp lý, kiểm tra hàng tồn, hay giải quyết từ chối của khách hàng. Mục tiêu huấn luyện chính là công cụ để đạt được mục tiêu kinh doanh, điều cuối cùng mà salesteam hướng đến. “Tình trạng dễ bắt gặp là khi Giám sát bán hàng đi cùng salesmen, anh ấy dễ mắc những lỗi như nhảy vào hỗ trợ, chưa biết cách làm mẫu cho nhân viên mình hoặc chưa chỉ ra những điểm mạnh điểm yếu của salesmen đó. Do đó, chúng tôi cần huấn luyện anh Giám sát bán hàng để anh ấy biết cách huấn luyện cho nhân viên dưới mình”, anh Lạc nói.

Huấn luyện trực tiếp ngoài thị trường

Chia sẻ về cảm nhận sau một buổi huấn luyện, salesman Nguyễn Vũ nói: “Mình học được cách đề nghị đơn hàng cho khách để đạt được mục tiêu kinh doanh của mình. Bên cạnh đó mình học được cách chào hỏi khách hàng khiến khách hàng thân thiết với mình hơn. Sản lượng của mình hôm nay cao hơn thường ngày.”

Hoàn thành một ngày huấn luyện cùng các chuyên gia với nhiều kỹ năng mới, ASCM Đinh Văn Trường hài hước cho biết: “Từ khi vào Tân Hiệp Phát, mình học được rất nhiều, về cả kỹ năng trong công việc lẫn cuộc sống bên ngoài. Nhất là khi làm về sales, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng nếu muốn làm việc hiệu quả. Theo công ty, học hết khóa huấn luyện này đến khóa huấn luyện khác, còn chưa xong, thời gian đâu mà đi công ty khác bây giờ”.

Trời về tối, đường phố Sài Gòn càng đông đúc, cũng là lúc các anh em sales kết thúc ngày làm việc của mình. Không giống với những công việc văn phòng, giờ làm việc của các anh bắt đầu sớm hơn và cũng kết thúc muộn hơn. Màu áo vàng thấp thoáng, hòa vào dòng người tấp nập trên đường, với những suy nghĩ bộn bề cho ngày mai.

Lê Châu