Đức Hạnh / Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam đã tiên phong dẫn đầu, chấp nhận đối diện với nhiều khó khăn, thử thách để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.
Cân bằng phát triển bền vững và lợi ích kinh tế
Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường cũng như đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về môi trường của các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn được xem là ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo. Đây là xu hướng phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới, đảm bảo phát triển bền vững mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội và môi trường.
Là một trong những doanh nghiệp sớm thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông David Riddle – Lãnh đạo Công ty Tân Hiệp Phát cho biết: Tân Hiệp Phát đã “hiện thực hoá” các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với chiến lược 3R (Reducing waste – Giảm thiểu chất thải, Reusing- Tái sử dụng, Recycling – Tái chế) từ năm 2013 đến nay.
Tân Hiệp Phát đã đầu tư vào công nghệ vô trùng Aseptic của Đức nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cao nhất, đảm bảo lợi ích dinh dưỡng và sức khoẻ cho người tiêu dùng trong khi vẫn duy trì các yêu cầu vô trùng nghiêm ngặt. Nó cũng giúp THP giảm thiểu tối đa lượng nhựa được sử dụng trong sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai nhựa.
Năm 2013, Tân Hiệp Phát đã triển khai dự án làm nhẹ chai trong đó trọng lượng của mỗi chai giảm xuống gần 20%. Đồng thời nhờ đầu tư vào công nghệ Aseptic, Công ty cũng có thể giảm hao hụt trong quá trình sản xuất và giảm cả điện và nước sử dụng.
Năm năm sau, Tân Hiệp Phát tiếp tục giảm trọng lượng chai hơn nữa, nhờ đó, lượng rác thải nhựa giảm tới 34.000 tấn. Trong 4 năm tiếp theo tính đến năm 2023, mức giảm đã tăng lên 44.000 tấn, nâng tổng số rác thải nhựa được tập đoàn loại bỏ trong 9 năm qua là 78.000 tấn.
Cũng theo ông David, từ năm 2013 đến nay, Tân Hiệp Phát đồng thời tái chế và tái sử dụng màng co và túi nhựa do công ty sản xuất làm túi đa năng để đựng phôi và nắp; loại bỏ sử dụng hộp carton và thay thế bằng màng co làm từ nhựa tái chế. Đặc biệt năm 2021, công ty đã lắp đặt và vận hành dây chuyền tái chế nhựa với trọng tâm là sản xuất pallet và viên nén từ nhựa thải để sử dụng trong chính các nhà máy của Tân Hiệp Phát và trong tương lai sẽ cung ứng cho những đơn vị muốn thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất của họ bằng nguyên liệu tái chế.
Từ những kết quả ban đầu, Tân Hiệp Phát đặt mục tiêu đến năm 2027 cắt giảm hơn 112.000 tấn nhựa và mở rộng kinh tế tuần hoàn, chung tay cùng các doanh nghiệp tái chế nhựa khác.
Gỡ rào cản để lan toả kinh tế tuần hoàn
Chủ động triển khai kinh tế tuần hoàn thông qua việc áp dụng mô hình tái chế 3R, từ thực tế hoạt động của mình, ông David Riddle nhấn mạnh: các doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp kinh tế tuần hoàn rất quan trọng đối với môi trường mà vẫn thu được lợi ích kinh doanh đáng kể cũng như tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cũng cho biết, kinh tế tuần hoàn đặt ra không ít thử thách và khó khăn cho doanh nghiệp.
Phân tích về những rào cản với doanh nghiệp tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Hoa Cương nêu rõ các yếu tố như thiếu sự hỗ trợ về mặt luật pháp, chính sách; sự hỗ trợ từ hệ thống thuế, khuyến khích về mặt kinh tế, mức độ phát triển kinh tế thấp; công nghệ hiện tại chưa phù hợp, thiếu các ý tưởng sáng tạo; nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu… Ngoài ra, rào cản còn đến từ các yếu tố xã hội như mức độ nhận thức về sự cần thiết của nền kinh tế bền vững hơn, xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh mới, thiếu sự hỗ trợ của người dân…
Những thách thức, khó khăn trên đã khiến việc lan toả mô hình kinh tế tuần hoàn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Kết quả khảo sát thực hiện năm 2022 do CIEM thực hiện cho thấy, có đến 37,6% doanh nghiệp được hỏi chưa từng áp dụng bất kỳ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh và/hoặc mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Các doanh nghiệp tiên phong triển khai kinh tế tuần hoàn phần lớn là chủ động, không chờ đợi sự hỗ trợ, thúc giục. Trong khi đó, chỉ có 2 – 15% doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, khoa học công nghệ, đào tạo, thị trường, mặt bằng sản xuất…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông David Riddle cho rằng, việc triển khai mô hình 3R giúp tăng cường sự gắn kết, niềm tự hào của cán bộ nhân viên về Công ty luôn đặt trách nhiệm xã hội là một phần trong các giá trị cốt lõi. Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn là thể hiện văn hoá của doanh nghiệp.
Tiếp sức phát triển kinh tế tuần hoàn từ chính sách
Dù những thách thức trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn còn đang hiện hữu song TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định: doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển sang kinh tế tuần hoàn bởi hiện nay đòi hỏi chữ “xanh” trong tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Không chỉ vậy, nghiên cứu gần đây của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng như các tổ chức thế giới thực hiện cho thấy, trong ngắn hạn, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chi phí chuyển đổi, đầu tư, công nghệ, đào tạo… Tuy nhiên, về trung hạn và dài hạn, những doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và chuyển đổi xanh sẽ phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh vì thế rất có giá trị thực tiễn và để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, mấu chốt vẫn là chính sách.
GS.TSKH Nguyễn Mại cũng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó, Nhà nước cần có khuôn khổ pháp lý cho “đổi mới sáng tạo”; cơ chế chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực, có lộ trình và ưu tiên trong phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội.
Ở góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo công ty Tân Hiệp Phát đưa ra một số gợi ý, sáng kiến hợp tác các bên. Một trong những sáng kiến quan trọng nhất là hợp tác truyền thông cho người dân về tầm quan trọng của việc phát triển và thực hiện các biện pháp kinh tế tuần hoàn. Quá trình này có thể mất thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ.
Bên cạnh đó, dựa trên bài học kinh nghiệm của một số tập đoàn lớn đã thành công là tạo động lực có tính chất kinh tế để khuyến khích tái chế như thuế túi nhựa áp dụng cho tất cả các túi mua sắm bằng nhựa trong thành phố. Điều này có nghĩa là nhựa có giá trị.
“Hãy nghĩ đến nhựa tái chế như một nguyên liệu thô mới cho một ngành công nghiệp rất thành công sắp tới điều này sẽ củng cố việc Việt Nam trở thành một quốc gia xanh hơn và tạo ra hàng trăm ngàn nếu không phải là hàng triệu công việc mới. Trên toàn cầu, chúng ta có công nghệ để biến việc tạo ra và sử dụng nhựa tái chế thành hiện thực” – ông David Riddle chia sẻ.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt sáng kiến này, cần giải quyết thách thức liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện trên quy mô lớn. “Đây là lý do tại sao sự hợp tác trên một quy mô chưa từng có là cần thiết và cấp thiết. Tân Hiệp Phát tin rằng đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tham gia thật sự. Chúng ta cần hành lang pháp lý thật mạnh mẽ, quy định trách nhiệm cụ thể được xác định cho nhà sản xuất và nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí quản lý chất thải cho các sản phẩm thải bỏ” – Lãnh đạo Công ty Tân Hiệp Phát kiến nghị.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/co-hoi-lon-tu-chuyen-doi-kinh-te-tuan-hoan-253402.html