Công lao gầy dựng Tập Đoàn Tân Hiệp Phát của Dr Thanh

Câu chuyện về cuộc đời nhiều thăng trầm của Dr. Thanh được tiết lộ với báo chí quốc tế lần đầu tiên trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Financial Times, tờ báo tài chính hàng đầu thế giới.

Tác giả: Don Weinland

Công lao gầy dựng Tập đoàn THP của Trần Quí Thanh – Chiến lược của Tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam về dòng sản phẩm trà thảo mộc và nước tăng lực là tiếp tục chiến đấu không ngừng nghỉ

Khi Trần Quí Thanh khởi nghiệp kinh doanh năm 1977, khách hàng chỉ có thể dùng vàng nếu muốn mua men do ông sản xuất trong một căn phòng nhỏ bị chiến tranh tàn phá ở miền nam Việt Nam.

Gần 40 năm sau đó, Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát do ông sáng lập, một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong nước, giao dịch chủ yếu bằng tiền pháp định – dù ông vẫn nói đùa ngụ ý rằng có thể vẫn còn vàng chôn giấu ở nhà riêng của ông ở Sài Gòn.

Thong thả ngồi nghỉ ngơi ở bên cạnh hồ bơi vào một ngày mùa xuân trong một khách sạn ở quận trung tâm Hồng Kông, ông trùm trà đóng chai và nước giải khát bồi hồi kể lại những giai thoại đời ông từ nhiều thập kỷ trước, bắt đầu từ chỗ doanh nghiệp đã ra đời và phát triển như thế nào. Hơn một tá chai trà thảo mộc và nước tăng lực được xếp đầy trên bàn.

‘Cha tôi uống 10 chai loại này một ngày’, con gái ông Trần Uyên Phương khẳng định, cử chỉ đầy ngưỡng mộ đối với người đàn ông 63 tuổi bên cạnh cô. Cô luôn đi theo sau để giúp phiên dịch cho cha mình, đồng thời cô cũng là một cổ đông trong công ty gia đình cổ phần nội bộ này.

Trong bộ vest đen làm nổi bật bộ ria mép dày và đen của mình, ông Thanh gật đầu đồng tình với lời nhận xét của con gái. Cũng khuôn mặt phúc hậu đó xuất hiện trong logo của sản phẩm Trà Thảo Mộc của THP.

Khởi đầu từ nhà máy sản xuất bia hơn 20 năm trước đây, Tập đoàn này đã trở thành nhà sản xuất nước giải khát tư nhân lớn nhất Việt Nam, với khoảng 5.000 nhân viên trên toàn quốc. Về thị phần, họ chỉ đứng sau các công ty nước ngọt đa quốc gia như Coca-Cola. Theo ước tính của các nhà phân tích, họ nắm giữ 20 đến 30 phần trăm thị trường nước giải khát. Trong năm 2011, theo số liệu mới nhất từ Nielsen, các sản phẩm của Tập đoàn như trà thảo mộc, nước tăng lực và sữa đậu nành chiếm khoảng 24 phần trăm thị phần.

THP là cái tên quen thuộc với nhiều người trong đất nước khoảng 90 triệu dân này. Hàng năm họ tổ chức bữa tiệc mừng năm mới tại thành phố Hồ Chí Minh, với hàng ngàn người đến tham dự vui chơi và được phát sóng trên truyền hình quốc gia. Các video trên YouTube vẫn thường chiếu cảnh vị CEO đầy quyền lực, vốn vẫn thường được gọi là “Dr. Thanh”, hát theo phong cách karaoke cùng với các ngôi sao nhạc pop và ban nhạc rock.

Năm 2008, THP đã tài trợ cho đội tuyển leo núi Việt Nam duy nhất trên hành trình chinh phục Everest. Trong các hình ảnh từ blog của nhóm leo núi, dễ thấy các vận động viên nổi bật khi khoác trên mình màu cờ sắc áo Việt Nam: đỏ và vàng, tay cầm lá cờ in logo “Number 1”, loại nước uống thể thao phổ biến nhất của THP. Là một phần trong chiến dịch marketing, hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới là một trong những hành trình thành công rực rỡ nhất của đất nước Việt Nam.

Sự nghiệp Trần Quí Thanh gầy dựng không chỉ tồn tại mà còn thành công trong thị trường tự do sau nhiều thập kỷ làm việc cật lực ở một trong những thành trì xã hội chủ nghĩa cuối cùng của thế giới.

Sau cái chết của mẹ trong một tai nạn xe hơi năm 1962, ông Trần, khi đó mới chín tuổi, được gửi đến một trại trẻ mồ côi ở vùng cao nguyên phía nam Việt Nam. Trong suốt sáu năm trời, ông đã phải sống một môi trường vô cùng hà khắc, thậm chí có lúc bị phạt nhốt qua đêm trong chuồng lợn vì đã ẩu đả với bạn nam khác. Ông kể với giọng trầm tư và sâu sắc, “Trong tình cảnh không thức ăn, không quần áo và bị nhốt trong chuồng heo, tôi học được rằng nếu muốn tồn tại thì mình phải chiến đấu.”

Ông Trần nói, đấu tranh để sống còn là tinh thần đã lèo lái dẫn dắt doanh nghiệp của ông, ở dạng này hay dạng khác, qua nhiều thập kỷ.

Năm 1977, hai năm sau khi Sài Gòn nằm trong tay những người Cộng Sản, Trần Quí Thanh bước vào sản xuất men trong cơ sở sản xuất chỉ có một gian phòng giữa thời kỳ nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ.

Năm 1975 khi Mỹ ra quyết định trừng phạt Việt Nam nặng nề, nhiều nguồn quốc tế cung cấp các thiết bị và nguyên vật liệu cho nhiều nhà sản xuất bị chặn đứng. Ông Thanh nhớ lại mình đã phát hiện ra cách tận dụng những chiếc võng nylon do quân đội Mỹ bỏ lại làm rây lọc để bắt men bùn như thế nào.

Cải tiến đơn giản đó đã giúp doanh nghiệp còn non trẻ này mở rộng quy mô và giành nhiều thắng lợi khi cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Trong khi tình trạng lạm phát phi mã xóa sổ nhiều nhà sản xuất men khác, ông Thanh tiếp tục tìm mua từng chiếc võng và mở rộng sản xuất.

“Với tỉ lệ lạm phát 300%, nếu bạn kiếm được 300% mỗi năm thì đó mới là điểm hòa vốn,” ông nói, lưu ý rằng điều kiện kinh tế buộc ông chỉ có thể trao đôi mua bán bằng vàng. “Chúng tôi đã kiếm được rất nhiều rất nhiều tiền … Trong một ngày tôi [có thể] kiếm được 3 lượng vàng. Tại thời điểm đó, một ngôi nhà chỉ có giá 1 lượng vàng mà thôi; như vậy tôi có thể mua được ba căn nhà một ngày “.

Năm 1994, thời điểm ông Thanh khai trương cửa hàng nhỏ THP, ông đã trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh nhiều ngành. Giá men tụt dốc năm 1979, buộc ông bắt tay vào sản xuất đường. Sau hơn một thập kỷ chế biến mía đường, chính phủ cạnh tranh và đè bẹp nhà máy sản xuất nhỏ đặt trong thành phố của ông bằng các nhà máy lớn với chi phí thấp hơn nằm ở vùng ngoại ô.

Mặt khác, THP bắt đầu cất cánh bay lên nhờ làn gió thay đổi xuất hiện trong nền kinh tế tập trung của Việt Nam. Chỉ hai năm trước đó, năm 1992, chính phủ đã cho phép doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Năm 1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt cấm vận thương mại đối với Việt Nam lần đầu tiên sau 20 năm dài.

Tình hình bảo vệ tài sản cá nhân dần được cải thiện đã cho phép các doanh nghiệp như THP có thể tái đầu tư lợi nhuận vào các dự án dài hạn. Chỉ trong ba năm vừa qua, ông Thanh đã tự tin để đầu tư hàng trăm triệu đô la vào ba nhà máy mới. “Nhiều doanh nhân ở Việt Nam lo ngại rằng chính phủ sẽ tịch thu tài sản của họ. Bây giờ, chúng tôi tin rằng họ bảo vệ tài sản của chúng tôi. ”

Chờ đợi đúng thời điểm để đầu tư hoặc chuyển đổi giữa các loại hình kinh doanh là một bí quyết đặc trưng trong chiến lược của Trần Quí Thanh. THP ban đầu là nhà máy sản xuất bia nhưng về sau lợi nhuận sụt giảm vì phải trả thuế bia. Thế nên ông Thanh chuyển sang sản xuất carbon dioxide và si-rô fructose, sau này phát triển thành nước uống thể thao và nước tăng lực. Mãi cho đến năm 2009, THP mới tung ra thị trường sản phẩm trà thảo mộc, hiện nay là sản phẩm bán chạy nhất của THP, ngay khi đó tình hình môi trường đầu tư ở Việt Nam bắt đầu trở nên ổn định.

Ông nói đã đầu tư $ 100 triệu cho mỗi nhà máy rộng 40 ha. Ông cũng tuyên bố rằng một ngân hàng đầu tư và một công ty đa quốc gia với mong muốn để đầu tư vào Tập đoàn đã ước tính THP trị giá 2,5 tỷ USD vào năm 2011, tuy nhiên ông từ chối nêu tên của họ. Điều này dễ dàng đưa công ty vào hàng những tập đoàn thương mại mạnh nhất đất nước.

Càng tăng trưởng, công ty càng bị dòm ngó và cạnh tranh gay gắt hơn. Năm ngoái, báo chí Việt Nam đưa tin người ta tìm thấy trong một số sản phẩm THP một con ruồi và các tạp chất khác. Ngay sau đó, THP bác bỏ các tin tức này nhưng họ cũng phải đấu tranh cật lực để giải quyết hậu quả của vấn đề. Công ty cho biết các khách hàng đã tìm cách tống tiền họ bằng cách cho các dị vật vào trong chai.

Sự cạnh tranh từ nước ngoài là mối lo ngại còn lớn hơn nữa đối với doanh nghiệp tư nhân này. Ông Thanh nói Việt Nam sẽ cần các công ty lớn hơn định hướng thị trường sau khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hoặc TPP, hiệp định thương mại sâu rộng giữa Mỹ và 11 quốc gia khác được ký kết. Hiệp định này sẽ mở cửa để các công ty nước ngoài trước đây vốn gặp nhiều giới hạn được tự do bước vào cạnh tranh ở thị trường Việt Nam.

Đồng thời, chính phủ dự báo rằng TPP có thể làm gia tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam thêm 68 tỷ USD vào năm 2025. Các công ty sẽ bị áp lực cạnh tranh quyết liệt hơn. Ông Thanh nói về hiệp định thương mại, “Chúng tôi sẽ cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài. Nếu các công ty tư nhân đều yếu kém cả, thì làm thế nào họ tồn tại được?”

Sau nhiều thập kỷ chiến đấu để sống sót ở một trong những môi trường khó khăn nhất đối với doanh nghiệp tư nhân, những thách thức do TPP mang đến là điều ông đã dành cả cuộc đời mình để chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với chúng.