Nguyễn Quỳnh – Khương Trung – Thanh Bạch/ Bộ Tài nguyên & Môi trường
Phát biểu kết luận Diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VI – năm 2022 với chủ đề “Phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại COP26” chiều 16/7, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong việc thực hiện mục tiêu phát triển xanh và hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26 về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” do Báo Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên hằng năm và là địa chỉ để chúng ta cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực nóng của ngành tài nguyên môi trường. Qua mỗi kỳ tổ chức, Diễn đàn ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của nhiều nhà quản lý ở cả Trung ương và địa phương, các cơ quan thuộc Quốc hội, Lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Tại Diễn đàn với chủ đề “Phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại COP26”, Bộ TN&MT đánh giá cao các báo cáo viên đã giới thiệu, chia sẻ các tham luận quan trọng, thiết thực nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; đồng thời cung cấp đến các nhà báo, phóng viên những thông tin cần thiết thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cũng như chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp những kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh xanh, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành trân trọng cảm ơn và ghi nhận tất cả các báo cáo tham luận, các ý kiến đóng góp, gợi mở, chia sẻ, cũng như các đề xuất kiến nghị của các cơ quan, đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí. Trong đó, ý kiến thành lập Câu lạc bộ báo chí phát triển xanh – Net-zero là một đề xuất rất thiết thực.
“Tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý, chúng tôi sẽ xem xét tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ mục đích sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, với mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26” – Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.
Cần hành động cụ thể của doanh nghiệp
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu ( Bộ TN&MT) cho biết: Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế. Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.
Theo ông Tăng Thế Cường, dù trong thời gian ngắn sau COP26, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động thực hiện cam kết, nhận được sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cũng cho biết: Trong thời gian qua, các Tổng Công ty, Tập đoàn Nhà nước bước đầu đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch. Các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trong nước cũng hành động ngay cùng Chính phủ. Một số tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” trong các hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát cho biết: Trong 5 năm (2018 -2022), Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã giảm sử dụng trên 70.000 tấn nhựa. Hiện nay, Tập đoàn tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm tác động đến môi trường; giảm hiệu ứng khí nhà kính thông qua việc cắt giảm nhựa sử dụng một lần và tái chế xanh.
Theo đại diện Cocacola Việt Nam, trong thời gian qua, song hành với phát triển kinh doanh, phát triển bền vững là kim chỉ nam trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Các mục tiêu phát triển bền vững của Coca-Cola bao gồm: Giảm hàm lượng đường trong các sản phẩm thuộc danh mục kinh doanh của mình; Bảo tồn nguồn nước và cung cấp nước sạch cho cộng đồng; Hướng đến bao bì bền vững; Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu; Tuân thủ nguyên tắc Đa dạng, Công bằng, và Hòa hợp; Tích cực hỗ trợ cộng đồng…Mục tiêu đến năm 2030, Coca-Cola sẽ hỗ trợ thu gom và tái chế 100% chai/lon mà công ty bán ra, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Tham dự Diễn đàn, đại diện Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, công nghệ và quy trình sản xuất tại các nhà máy của URC Việt Nam liên tục được cải tiến, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Trong sản xuất, URC áp dụng bộ nguyên tắc 3R (Reduce “tiết giảm” – Reuse “tái sử dụng” – Recycle “tái chế”) để gia tăng hiệu quả trong quá trình Quản lý tài nguyên, Sử dụng năng lượng và đầu tư vào sản xuất. URC Việt Nam cam kết áp dụng và duy trì thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hướng đến nền kinh tế tuần hoàn vì một môi trường xanh – sạch hơn. Doanh nghiệp cũng mong nhận được sự đồng hành từ các doanh nghiệp khác và những chính sách, hướng dẫn hỗ trợ cụ thể từ phía lãnh đạo Chính phủ, Bộ TN&MT…
Cần thông điệp mạnh mẽ hơn
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền – Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Công tác tuyên truyền thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển từ ít quan tâm đến quan tâm; từ chưa hiểu biết sang hiểu biết; từ nhận thức chưa đầy đủ, không đúng đến nhận thức đầy đủ, đúng cho mọi tầng lớp nhân dân về BĐKH. Nhận thức, hành vi, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người dân về BĐKH có nhiều chuyển biến tích cực. Tính chủ động, năng lực ứng phó, thích ứng của chính quyền, doanh nghiệp, người dân được nâng lên.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, truyền thông cần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với mọi người dân, động viên, cổ vũ mỗi người dân và cộng đồng tích cực thực hiện, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về BĐKH.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần những thông điệp mạnh mẽ hơn nữa, cần tập trung chuyển tải toàn diện, mạnh mẽ, tích cực hơn nữa công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam đã trình bày tham luận “Giải pháp phát triển kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong đó, truyền thông bảo vệ môi trường biển là một trong 6 hợp phần Việt Nam cần thực hiện để đạt mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển xanh theo Nghị quyết 36 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và mục tiêu của COP 26. Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức chính là một hoạt động truyền thông rất hiệu quả, có sức lan tỏa lớn.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bình Thuận đã tặng hoa, Bằng khen cho các doanh nghiệp đã có những đóng góp cho thành công của Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VI- năm 2022.
Link: https://monre.gov.vn/Pages/cung-hanh-dong-huong-toi-phat-trien-xanh-va-hien-thuc-hoa-cam-ket-cua-viet-nam-tai-cop26.aspx