Trải nghiệm khách hàng là vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh, trong đó khách hàng nội bộ cũng là một nội dung mấu chốt mà doanh nghiệp cần chú trọng.
Tại Tân Hiệp Phát, trải nghiệm khách hàng nội bộ được lựa chọn ưu tiên và xây dựng bằng 7 giá trị cốt lõi.
Đó là chia sẻ của bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát về quan niệm tăng trải nghiệm khách hàng tại VSMCamp 2019 – Đại hội Sales & Marketing Toàn quốc 2019 diễn ra ngày 4/12 tại TP HCM.
Theo bà Phương, câu chuyện trải nghiệm khách hàng nội bộ đã được Tân Hiệp Phát thực hiện trong 18 tháng qua gồm 7 giá trị: thõa nhãn khách hàng, chất lượng chuẩn quốc tế, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, không gì là không thể, làm chủ trong công việc, hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai và chính trực.
Ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát coi trọng thõa mãn khách hàng bằng việc chủ động lắng nghe, phản hồi cụ thể và giải quyết kịp thời nhu cầu của khách hàng, các đối tác, nhà cung cấp và các bên liên quan để đạt mục đich và mong đợi giữa các bên.
Đồng thời, tập đoàn cung cấp các giải pháp sản phẩm và dịch vụ mang tính đột phá và cạnh tranh, thõa mãn tiêu chí đôi bên cùng có lợi và tôn trọng, hết mình hết khách hàng.
“Chúng tôi nâng cấp nó lên một bậc khi nhìn thấy đơn vị sản xuất đang bị giới hạn tư duy là bán cái có hơn bán cái khách hàng cần, bởi vì thực tế đã là đơn vị sản xuất thì chúng tôi phải nghĩ đến sản xuất số lượng lớn, từ đó hình thành nên dự án nâng tầm dịch vụ”, bà Phương cho hay.
Dự án nâng tầm dịch vụ mà đại diện Tân Hiệp Phát tiết lộ là “Up your service”, dịch vụ liên tục hành động tạo ra nhiều giá trị cho người khác.
“Đây là một tư duy và Tân Hiệp Phát được truyền cảm hứng từ những khách hàng trên thế giới đã sử dụng Up your service là sân bay Changi. Họ đã đứng đầu thế giới về dịch vụ sân bay. Chúng tôi là đơn vị sản xuất và chúng tôi nghĩ rằng một trong những yếu tố quan trọng là con người”, bà Phương nói.
Lí giải rõ hơn cách mà Tân Hiệp Phát đã chọn và triển khai nâng tầm dịch vụ trong việc tăng trải nghiệm khách hàng nội bộ, bà Trần Uyên Phương cho hay: “Chúng tôi triển khai ở tất cả phòng ban, khách hàng nội bộ chúng tôi gọi là đối tác dịch vụ mà những điểm chạm dịch vụ ở Tân Hiệp Phát gọi là những điểm trải nghiệm.
Trong tất cả qui trình, Tân Hiệp Phát thay đổi bằng cách ai sở hữu qui trình nào, giám đốc khối nào họ sẽ tự đưa ra những cải tiến và những cải tiến đó được họ cho rằng có lợi những trải nghiệm với khách hàng.
“Chúng tôi đòi hỏi không chỉ khách hàng bên ngoài mà cả khách hàng nội bộ cũng cần có những trải nghiệm tốt”, bà Phương bày tỏ.
Cụ thể hơn, bà Phương chia sẻ: “Chúng tôi có danh sách các câu hỏi mà các bộ phận sẽ phải đi hỏi nhau như tôi tạo ra giá trị cho anh, và nếu như anh phải trả tiền cho dịch vụ gì của tôi mà anh cho rằng sẽ muốn trả tiền dù tôi có tăng giá dịch vụ đó. Với cách làm này, mình sẽ thấy được giá trị của các phòng ban mang lại cho nhau là gì”.
Bên cạnh đó, nữ doanh nhân tiết lộ rằng, từ những cải tiến đó, Tân Hiệp Phát đã phát hiện những tư duy cần phải phá bỏ tại nội bộ doanh nghiệp. Đó là tư duy xin cho ở các bộ phận.
“Thay vì xin cho thì cần phải hiểu đó là trách nhiệm của tôi phải làm hay anh tạo giá trị gì cho tôi để chúng ta cùng đưa ra một giải pháp cuối cùng cho khách hàng chứ không phải là tôi nhờ anh, anh giúp đỡ cho tôi”, bà Phương nói.
Không chỉ quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng nội bộ, theo bà Phương, việc tăng trải nghiệm với khách hàng, đối tác, nhà cung cấp của Tân Hiệp Phát cũng được phân chia cụ thể với 6 cấp độ dịch vụ.
Trong đó, cấp thấp nhất là “tội phạm” tức là dưới mức tối thiểu; tiếp theo là cấo “cơ bản”, tức là điều tối thiểu; cấp thứ ba là “trông đợi”, đây chỉ là cấp độ bình thường; cấp thứ tư là “mơ ước”, nghĩa là điều khách hàng thích; thứ năm là “ngạc nhiên”, đồng nghĩa với điều gì đó đặc biệt và cấp cao nhất là “không thể tin được”, được hiểu là điều người khác WOW!.
Bà Phương nói một trong những điều Tân Hiệp Phát ghét và cũng sợ là dịch vụ mà không đạt chuẩn thì trở thành “tội phạm”. Tuy vậy, nó cũng là cái giúp tập đoàn thay đổi văn hóa, hành vi và là cơ sở để Tân Hiệp Phát muốn đạt đến cấp độ 6.
“Với tư duy dịch vụ, tức là doanh nghiệp đã cung cấp được dịch vụ gì thì chắc chắn khách hàng sẽ mong đợi cao hơn, sẽ giúp chúng tôi cải tiến cho mình tốt hơn ngày hôm qua và đạt được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhấn mạnh.
Như Huỳnh/ Báo Vietnambiz