Tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát không giấu niềm tự hào khi chia sẻ câu chuyện cuộc đời của cha mình – ông Trần Quí Thanh – người sáng lập Tân Hiệp Phát.
Từ ‘Chuyện nhà Dr Thanh’ đến “Vượt lên trên người khổng lồ’
Bà Trần Uyên Phương là tác giả 2 cuốn sách gây chú ý: Chuyện nhà Dr Thanh và Vượt lên trên người khổng lồ với nhân vật, câu chuyện từ gia đình mình và Tân Hiệp Phát (THP).
Chuyện nhà Dr Thanh hoàn thành vào 2017. Bà Phương chia sẻ, “Khi mọi người nhìn tôi là một người quản trị DN, có hàng ngàn người báo cáo, những áp lực về doanh số, đối mặt với những con số rất khổng lồ, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ những điều rất bình thường là làm sao chúng ta có thể vượt qua được những thách thức mà số phận, cuộc sống đem đến. Đó chính là điều mà tôi cảm nhận được và học được từ ba tôi (PV – ông Trần Quí Thanh). Đó cũng là điều tôi mong muốn chia sẻ cho các bạn qua cuốn sách này”.
Bà Phương kể, “Ba tôi đã đi qua một cuộc đời mà tôi thực sự cảm thấy rất tự hào vì được ở bên ông, được sống với ông từng ngày. Nếu đổi tựa cuốn sách này, tôi sẽ đổi thành “Từ trại mồ côi để trở thành tỷ phú”.
Ông đã trải qua trong cuộc đời mình rất nhiều biến cố gia đình, cuộc sống, kinh doanh nhưng điều duy nhất tôi vẫn cảm thấy và học được từ ông đó là niềm hạnh phúc và cống hiến. Không hề để quá khứ hay nỗi đau trở thành gánh nặng kéo ông lùi lại. Ông luôn nhìn thấy những cơ hội, cuộc sống là tốt đẹp hơn và có rất nhiều thứ đang chờ ông ở phía trước…”.
Theo bà Uyên Phương, THP được như hôm nay đã có quá nhiều bài học trải nghiệm, để THP từ một DN địa phương đi từ con số không trở thành một trong những DN mà các công ty đối thủ, các công ty đa quốc gia đều phải cân nhắc khi cạnh tranh. Ở đó, các bạn trẻ có thể hiểu những gì THP đã phải trả giá, học được từ thành công và cả những thất bại.
Bên cạnh viết tự truyện gia đình, Uyên Phương cũng viết sách dành cho những ai quan đâm đến kinh doanh. Năm 2018, bà cùng nhà báo Anh Jackie Horne và chuyên gia kinh tế Mỹ John Kador ra mắt cuốn Competing with Giants tại Mỹ.
Competing with Giants (Vượt lên người khổng lồ) là một cuốn sách phân tích kinh doanh, ở đó, tác giả viết về các công ty địa phương cạnh tranh với những tập đoàn lớn tầm cỡ thế giới.
Cơ duyên đưa Trần Uyên Phương tới với “Competing with Giants” khi theo học chương trình giảng dạy đào tạo lãnh đạo tại Đại học Havard năm 2012. Trong một bài tập tình huống (case study), câu chuyện một DN địa phương như THP có thể trụ vững, cạnh tranh và vượt lên các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới thực sự gây ngạc nhiên đối với mọi người. Đại diện nhà trường đề nghị Uyên Phương làm một bài nghiên cứu. Đây cũng là khởi nguồn cô lên ý tưởng viết thành một cuốn sách để nhiều người đọc được hơn.
Cuốn sách ra mắt vào tháng 8/2018, đây là lần đầu tiên một cuốn sách của doanh nhân Việt Nam được ForbesBooks lựa chọn xuất bản và công bố ra mắt ở trụ sở của Forbes tại Mỹ.
Chiến thắng là Không bao giở bỏ cuộc
Với tất cả trải nghiệm của mình và quan sát qua thời đại dịch Covid-19, nữ doanh nhân nhận ra điều tâm đắc: những người anh hùng là những người rất bình thường và họ giải quyết những việc bình thường một cách phi thường. Tất cả chúng ta đều đối diện với một vấn đề như nhau nhưng khác nhau là thái độ, giải pháp để xử lý những thách thức của cuộc sống như thế nào thì chúng ta sẽ có kết quả như vậy.
Chính vì thế, khi bạn trẻ đọc cuốn Chuyện nhà Dr Thanh, điều bà Phương mong đợi về bài học “Cuộc đời là một hành trình dài, nếu chúng ta có ước mơ và để đạt đến ước mơ đó là rất nhiều trở ngại, thách thức. Miễn sao các bạn không bỏ cuộc, luôn luôn tìm ra giải pháp, kể cả 1% cơ hội thì đó cũng là 1% hy vọng để chúng ta đạt đến ước mơ của mình”.
Cũng với tinh thần đó, trong cuốn Vượt lên người khổng lồ, điều mà Phương muốn nói trước các câu hỏi của bạn bè thế giới như: Việt Nam như thế nào? Cạnh tranh ra sao? Con người Việt Nam như thế nào? Chúng tôi đến với Việt Nam thì chúng tôi có thể tồn tại được hay không, có thể được đối xử công bằng và phát triển được hay không?… Qua cuốn sách này, mọi người trên thế giới sẽ thấy Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và THP là 1 ví dụ sinh động của sự thay đổi đó.
Bà Phương cho biết, “Chúng tôi đã tồn tại, phát triển và mơ ước sự nghiệp trăm năm bằng giá trị cốt lõi việc xây dựng văn hóa DN, từ việc tạo ra con người có những ước mơ trăm chứ không phải vì được hỗ trợ về chính sách, không phải chúng tôi cần những rào cản nào trong cạnh tranh với DN khác. Bạn phục vụ và người tiêu dùng chấp nhận, đó mới là điều mà chúng ta có thể tồn tại và phát triển”.
Với THP, để có tầm nhìn 100 năm đầu tiên THP phải có định hướng là xây dựng con người. Dịch Covid-19, đây cũng là dịp để con người THP có trải nghiệm mới.
“Trong tình huống khó khăn, mỗi tổ chức, gia đình cần người đứng đầu gánh vác, nếu người chịu trách nhiệm lại trở nên người yếu đuối thì đó không phải là bản lĩnh người lãnh đạo. THP sẽ đào tạo, xây dựng nên những con người thông qua những giá trị cốt lõi như là 1 phần trong máu của những con người THP. Đó là nền tảng để THP có thể xây nên một doanh nghiệp tồn tại hàng trăm năm”, bà Trần Uyên Phương cho biết.
Thế Định/ Theo vietnamnet.vn