DOANH NGHIỆP CHẤP NHẬN ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỬ THÁCH KHI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN

Hoàng An / CafeF

img
Doanh nghiệp chấp nhận đương đầu với thử thách khi chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Cùng với sự tăng trưởng của các nền kinh tế, lượng tài nguyên tiêu thụ của các quốc gia ngày càng tăng, khiến tài nguyên dần cạn kiệt và chất lượng sống của con người cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, phần lớn các quốc gia đang dịch chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, với các phương thức sản xuất bền vững, phục hồi, tái tạo và giảm dần lượng tài nguyên phải khai thác và hạn chế xả thải ra môi trường.

Ở Trung Quốc, với sự tăng trưởng nhanh chóng là kết quả của cuộc cải cách kinh tế lớn từ năm 1970, quốc gia này đứng trước tình trạng ô nhiễm, phát sinh chất thải và cạn kiệt tài nguyên ngày càng trầm trọng. Số liệu năm 2015 cho thấy, Trung Quốc sản xuất 46% nhôm của thế giới, 60% xi măng và 50% thép, trong khi Trung Quốc cũng tiêu thụ nhiều nguyên liệu thô hơn 35 nước OECD cộng lại.

Trung Quốc sử dụng tới 2,5 kg nguyên liệu thô để tạo ra 1 USD GDP, trong khi các nước OECD chỉ 0,54 kg. Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp nặng cùng với việc sử dụng kém hiệu quả tài nguyên là động lực thúc đẩy Trung Quốc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Hay như châu Âu, châu lục này phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nhập khẩu nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới, với khoảng 40% nguồn tài nguyên được sử dụng đến từ bên ngoài châu Âu. Kinh tế tuần hoàn là giải pháp cho tình trạng phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhập khẩu, và giảm áp lực cho môi trường.

Chia sẻ trong ấn phẩm Kinh tế tuần hoàn và Những mô hình tiên phong vừa ra mắt sáng ngày 21/9, TS. Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng, với tính cấp thiết của việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, chính phủ các quốc gia và khu vực đều đã có những hành động quyết liệt. 

Doanh nghiệp chấp nhận đương đầu với thử thách khi chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2.

Châu Âu đã có kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi, thúc đẩy việc đóng vòng nguyên liệu và kiểm soát vòng đời của sản phẩm. Cùng với đó, châu Âu có các chỉ thị khung về chất thải, chỉ số giám sát kinh tế tuần hoàn. Ở Thụy Điển, không chỉ có chính sách chung về tái chế và thu gom rác thải, mà còn có chính sách xây dựng nền kinh tế tuần hoàn theo ngành: nhựa, chế tạo, xây dựng, tiêu dùng. 

Trung Quốc cũng đã ban hành Luật Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn, được xem là chiến lược then chốt trong phát triển kinh tế và xã hội, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển bền vững. Các kế hoạch “5 năm” của Trung Quốc cũng đã vạch ra sự thay đổi chính sách của Trung Quốc với việc tái chế tài nguyên công nghiệp nặng, thay thế các mô hình trước đây và thực hiện sử dụng hiệu quả tài nguyên. Đồng thời, Trung Quốc cũng đưa ra các kế hoạch quản lý, cải thiện chất lượng môi trường và đẩy nhanh việc sửa chữa các thiệt hại về môi trường.

Bên cạnh đó, thành công của các mô hình kinh tế tuần hoàn không thể thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp. Theo vị đồng tác giả cuốn sách Kinh tế tuần hoàn và Những mô hình tiên phong, ông David Riddle, Tổng giám đốc điều hành Tân Hiệp Phát, nhiều tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập  đoàn đa quốc gia, trên thế giới đang tích cực chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn bền vững, vì mô hình này mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội và cho chính doanh nghiệp. 

Kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh, là kết quả của các nỗ lực đổi mới quy trình và khơi nguồn sáng tạo. Mô hình này cũng có thể trở thành lợi thế cạnh tranh cho những doanh nghiệp ứng dụng nó, vì các đối tác kinh doanh lớn sẽ ngày càng đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về tính bền vững,  và chỉ hợp  tác với các công ty có thể đáp ứng, và đặc biệt, là người dùng cũng đang nhận thức rõ ràng hơn về bảo vệ môi trường, có thiện cảm hơn với những thương hiệu “xanh”. Nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã bắt đầu áp dụng mô hình này vào chiến lược phát triển kinh doanh.

Doanh nghiệp chấp nhận đương đầu với thử thách khi chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 3.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận có hệ thống, đòi hỏi sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các chủ thể trong nền kinh tế. Do đó, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc về thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, khoa học, công nghệ, cơ chế vận hành, thị trường…

Ví dụ, như trong lĩnh vực tái chế rác thải nhựa, theo ý kiến của ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành, Khối dịch vụ Nghiên cứu thị trường và tư vấn Fiin Group trong ấn phẩm vừa ra mắt, tồn tại ba thách thức lớn. Một là các thách thức về vận hành, khi lượng thu gom rác thải nhựa chưa tương xứng với công suất thiết kế, đến từ việc hệ thống phân lại, thu gom rác thải nhựa tại nguồn cũng như các quy định chưa có tại Việt Nam. Hai là nhu cầu đầu ra với hạt nhựa tái chế chưa bền vững. Chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất đồ uống, thực phẩm có cam kết. Và quan trọng hơn cả, chi phí đầu tư cho mô hình kinh tế tuần hoàn không nhỏ, và doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng xanh ưu đãi.

Ông David Riddle phát biểu tại tọa đàm trong lễ ra mắt ấn phẩm: “Vươn tới được nền kinh tế tuần hoàn bền vững không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ngay cả các nền kinh tế có mức độ phát triển cao như Singapore cũng đã phải xem xét lại cách thức quốc gia có thể bảo vệ thành công môi trường và tài nguyên của mình và đạt được tính tuần hoàn”. 

Doanh nghiệp chấp nhận đương đầu với thử thách khi chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 4.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp kinh tế tuần hoàn rất quan trọng đối với môi trường mà vẫn thu được lợi ích kinh doanh đáng kể. Ông David Riddle đã đưa ra một số gợi ý về sự hợp tác giữa các bên. 

Một trong những sáng kiến quan trọng nhất cần có sự hợp tác là việc truyền thông cho người dân về lý do tại sao việc phát triển và thực hiện các biện pháp kinh tế tuần hoàn lại quan trọng đến vậy. Quá trình này có thể mất thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ. 

Một cách tiếp cận vừa được đề cập tới là cách tiếp cận của công ty Boots, trong đó, động lực có tính chất kinh tế được đưa ra để khuyến khích tái chế. Hong Kong (Trung Quốc) đã tạo ra những biện pháp ngăn cản người tiêu dùng sử dụng nhựa dư thừa…ví dụ như thuế túi nhựa áp dụng cho tất cả các túi mua sắm bằng nhựa trong thành phố. 

“Hãy nghĩ đến nhựa tái chế như một nguyên liệu thô mới cho một ngành công nghiệp rất thành công sắp tới điều này sẽ củng cố việc Việt Nam trở thành một quốc gia xanh hơn và tạo ra hàng trăm ngàn, thậm chí có thể là hàng triệu công việc mới. Trên toàn cầu, chúng ta có công nghệ để biến việc tạo ra và sử dụng nhựa tái chế thành hiện thực” – ông David Riddle nhấn mạnh. 

Thách thức cho điều này, theo ông David Riddle, nằm ở việc có cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện điều này trên quy mô lớn. Và một lần nữa, đây là lý do tại sao sự hợp tác trên một quy mô chưa từng có là cần thiết và cấp thiết. Tân Hiệp Phát tin rằng đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tham gia thật sự. Doanh nghiệp cần hành lang pháp lý thật mạnh mẽ, quy định trách nhiệm cụ thể được xác định cho nhà sản xuất và nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí quản lý chất thải cho các sản phẩm thải bỏ. 

Doanh nghiệp chấp nhận đương đầu với thử thách khi chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 5.

Đồng tình với đại diện Tân Hiệp Phát, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập luận rõ hơn tại tọa đàm ra mắt ấn phẩm, rằng vấn đề “khuyến khích ngược” hiện nay đang là một thách thức lớn. Ông Nguyễn Sĩ Dũng lấy ví dụ về sản phẩm sách giáo khoa, nếu em trước học để lại cho em sau học, thì cầu không thể tăng. Sản xuất sách thiết kế để sách chỉ dùng một lần, vì nếu dùng nhiều lần thì không bán được nữa.

“Muốn có kinh tế tuần hoàn, tất cả các chính sách đưa ra phải triệt tiêu cái “khuyến khích ngược” đó. Quan trọng là làm thế nào để các sản phẩm tái chế, những gì thuộc về kinh tế tuần hoàn sẽ có lợi hơn. Công cụ thì nhà nước đã có: truyền thông, cơ chế thuế” – ông Dũng nhấn mạnh. “Như vị Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát đã nói, nhà nước phải thiết kế hệ thống thuế tương đối tinh vi. Tôi nghĩ đó là cái rất quan trọng. Cùng với đó là hệ thống thủ tục, khai thác nguyên liệu ban đầu phải thắt chặt hơn, còn nguyên liệu tái chế phải rất dễ dàng”.

Doanh nghiệp chấp nhận đương đầu với thử thách khi chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 6.

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của cộng động và lợi ích lâu dài của xã hội, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng mô hình này ngay từ sớm, tiên phong dẫn đầu và chấp nhận đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Vượt lên tất cả bằng sự nỗ lực bền bỉ, họ đã đạt được những kết quả tích cực.

Điển hình trong mảng sản xuất nước giải khát là Tập đoàn Tân Hiệp Phát với quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển kinh tế tuần hoàn với chiến lược 3R (Reducing waste – Giảm thiểu chất thải, Reusing- Tái sử dụng, Recycling – Tái chế) từ năm 2013 đến nay.

3R là mô hình kinh tế tuần hoàn đã thành công ở nhiều nước phát triển, trong đó có Thụy Điển – nên kinh tế phát triển cao hàng đầu thế giới. Trong cuộc cách mạng tái chế hơn hai thập kỷ qua, tỷ lệ chất thải tái chế của các hộ gia đình ở Thụy Điển đã tăng từ 38% năm 1975 lên 99% hiện nay và chỉ còn 1% chất thải được chuyển đến bãi rác. Rất nhiều chất thải được tái chế và sử dụng cho các mục đích khác nhau như khí sinh học và năng lượng.

Theo ông David Riddle, với Tân Hiệp Phát, những gì có thể được coi là thành công bước đầu của công ty cho đến nay trong việc hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là giảm đáng kể lượng nhựa được sử dụng trong chai nước uống của công ty. Trong nhiều năm, Tân Hiệp Phát đã đầu tư vào công nghệ vô trùng aseptic của Đức nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cao nhất và lợi ích dinh dưỡng, sức khoẻ cho người tiêu dùng. Công nghệ này cũng giúp Tân Hiệp Phát giảm thiểu lượng nhựa sử dụng trong quá trình sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai nhựa. 

Doanh nghiệp chấp nhận đương đầu với thử thách khi chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 7.

10 năm trước, Tân Hiệp Phát đã triển khai dự án làm nhẹ chai trong đó trọng lượng của mỗi chai giảm xuống gần 20%. Đồng thời nhờ đầu tư vào công nghệ aseptic, Công ty cũng có thể giảm hao hụt trong quá trình sản xuất và giảm cả điện và nước sử dụng. 

5 năm sau, Tân Hiệp Phát đã có thể giảm trọng lượng chai hơn nữa cùng với đó là lượng rác thải nhựa giảm 34.000 tấn. Trong 4 năm tiếp theo tính đến năm 2023 mức giảm là 44.000 tấn, như vậy tổng cộng 78.000 tấn rác thải nhựa đã được loại bỏ trong khoảng thời gian chín năm nay. 

Các biện pháp quan trọng khác tại Tân Hiệp Phát cho đến nay bao gồm tái chế và tái sử dụng màng co và túi nhựa do công ty sản xuất làm túi đa năng để đựng phôi và nắp… Và loại bỏ việc sử dụng hộp các tông thay thế chúng bằng màng co làm từ nhựa tái chế. 

Từ năm 2021, Tân Hiệp Phát đã vận hành dây chuyền tái chế nhựa. Trọng tâm của khả năng tái chế này là sản xuất pallet viên nén từ nhựa thải mà Tân Hiệp Phát có thể sử dụng và trong tương lai sẽ cung ứng cho những đơn vị khác những đơn vị muốn thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất của họ bằng nguyên liệu tái chế. 

“Việt Nam nổi tiếng với những bãi biển đẹp và những đường bờ biển nắng vàng rực rỡ. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để bảo tồn đời sống đại dương, bảo tồn những bãi biển và những viên ngọc du lịch tiềm ẩn của chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau để hạn chế hết mức có thể nhựa sử dụng một lần. Tân Hiệp Phát sẵn sàng hợp tác để giải quyết những thách thức phía trước và làm mọi điều khả thi để vươn tới nền kinh tế tuần hoàn bền vững” – ông David Riddle kêu gọi khi kết luận bài phát biểu.

Doanh nghiệp chấp nhận đương đầu với thử thách khi chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 8.

Nguồn: https://cafef.vn/doanh-nghiep-chap-nhan-duong-dau-voi-thu-thach-khi-chuyen-doi-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-188230926155938099.chn