Mô hình công ty gia đình là mô hình kinh doanh lâu đời và phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, sự hiện hữu của các doanh nghiệp gia đình ngày càng nhiều hơn khi kinh tế tư nhân được “cởi trói” sau công cuộc đổi mới năm 1986. Tuy vậy, các công ty gia đình giữ được sự phát triển vững mạnh là rất khó, Tân Hiệp Phát là một trong số đó. Sắp tới đây, Tập đoàn Tân Hiệp Phát chuẩn bị Kỷ niệm 25 thành lập công ty (15/10/2019).
Trong suốt 25 năm phát triển, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã sản xuất và cung cấp hàng triệu thức uống giải khát có lợi cho sức khỏe tới người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát được phân phối rộng rãi khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, gần 20 quốc gia trên thế giới, được người tiêu dùng lựa sử dụng mỗi ngày.
Một trong những yếu tố quan trọng, chất men tạo nên sự thành công của Tân Hiệp Phát trong suốt 25 năm phát triển là giá trị gia đình. Tại Tân Hiệp Phát, các thành viên đã ngồi lại, lắng nghe nhau chia sẻ, cùng xây dựng nên bộ giá trị chung. Ở đó, mỗi người đều cam kết giá trị trên tinh thần tự nguyện, thoải mái. Mọi người thường xuyên soi chiếu việc làm vào những giá trị cam kết”.
Tại Tân Hiệp Phát luôn phải rạch ròi giữa vị trí làm vợ, chồng, bố, con và mối quan hệ sếp, nhân viên. Để có được những vị trí lãnh đạo trong công ty, vợ ông và các con đã phải chứng minh, thuyết phục “sếp Thanh” bằng năng lực chứ không dựa trên mối quan hệ gia đình.
Theo ông Trần Quý Thanh, chính giá trị gia đình đã đưa Tân Hiệp Phát trở thành tập đoàn lớn mạnh như ngày hôm nay. “Trong một gia đình, mỗi thành viên có một đam mê, một chí hướng khác nhau; nhưng nếu tất cả các thành viên đều có chung giá trị cốt lõi thì không bao giờ đánh mất giá trị của gia đình mình cả”.
Sự gắn kết của một gia đình doanh nhân cháy bỏng khát vọng đi cả vào những vần thơ yêu thương của một người phụ nữ đặc biệt, “một nửa cuộc đời” và mãi mãi là “cánh tay mặt” của Dr. Thanh.
Trong quan điểm của Dr. Thanh, “kế thừa một doanh nghiệp không phải là một đặc lợi mà một trọng trách”. Vì thế, ông trao truyền cho Uyên Phương cũng như 2 người con của mình cách tự đứng lên mạnh mẽ với cuộc sống để chúng biết nghĩ cho sáng, biết làm cho chuẩn. “Ba làm giàu là để cho xã hội, cho cuộc đời, không phải để cho các con xài…”.
Còn đối với Trần Uyên Phương,(con gái ông Trần Quí Thanh) từng chia sẻ: “Tại doanh nghiệp gia đình luôn tồn tại song hành giữa quyền sở hữu và tinh thần làm chủ. Để quản trị tốt, các doanh nghiệp gia đình cần kết hợp giữa chuyên nghiệp hóa với chủ nghĩa gia đình; văn hóa làm việc nhóm, sự trung thành, dũng cảm của nhân viên. Trong doanh nghiệp gia đình, lỗi lầm thì được tha thứ nhưng vi phạm đạo đức thì không được tha thứ”.
Theo bà, thừa kế là trách nhiệm của thế hệ tiếp theo, nhiệm vụ làm sao các tài sản của thế hệ thứ nhất chuyển giao cho thế hệ thứ ba có cộng lãi. Chứ không phải kế thừa là xài cho hết số tiền truyền lại. Để doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững cần thiết phải gia đình hóa doanh nghiệp, chuyên nghiệp hóa gia đình.
Ái nữ thứ hai của “Nhà Dr. Thanh”, nữ doanh nhân Trần Ngọc Bích (em gái Trần Uyên Phương) chia sẻ rằng, trong bộ máy làm việc của một công ty, mỗi người sẽ có trách nhiệm quyền hạn đi chung với kết quả đạt được. Nếu người thân nằm trong ban quản trị mà không bàn giao ra kết quả thì cách duy nhất là xử phạt. Ban lãnh đạo công ty phải tạo ra những kết quả thuyết phục thì mới tương xứng với tầm của mình.
Đúng như tuổi 25 thanh xuân và tràn đầy năng lượng sống, gia tộc doanh nhân Tận Hiệp Phát đã không chỉ khẳng định vị trí thương hiệu quốc gia của người Việt, mà còn mang khát vọng vươn tầm ra thế giới.
Phạm Lý/ Báo Đời sống VN