Giải bài toán kinh tế tuần hoàn – doanh nghiệp chủ động nhưng cũng cần được “tiếp sức”

PV/ ANTD

Bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát

Theo bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì nhất định phải triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Tân Hiệp Phát đã sớm nhìn ra điều này và bắt tay thực hiện. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vẫn chưa đầy đủ, chặt chẽ, chưa có sức lan tỏa ra nhiều doanh nghiệp khác.

Kinh tế tuần hoàn đến nay vẫn là khái niệm khá mới mẻ và có vẻ xa vời với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, song với Tân Hiệp Phát, việc “hiện thực hóa” kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện từ năm 2013 thông qua những mục tiêu, hành động cụ thể. Đầu tiên là việc tập đoàn thực hiện tiết giảm nhựa và giấy trong quá trình sản xuất. Từ năm 2013-2018, Tân Hiệp Phát giảm trọng lượng chai nhựa PET xuống còn 15,6g; giảm hao hụt chai PET trong quá trình sản xuất.

Cùng với đó, tập đoàn giảm định lượng giấy và giảm khổ giấy; tái sử dụng màng co PE, túi chứa nắp, túi chứa Preform; tái sử dụng thùng carton chứa nắp, chữa nhãn chai. Nhờ đó mà trong vòng 5 năm, tập đoàn đã giảm được hơn 50.000 tấn nhựa và giấy. Tập đoàn xác định rõ sẽ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn 3R nên các mục tiêu giảm thiểu nhựa, giấy trong quá trình sản xuất tiếp tục được đặt ra. Trong giai đoạn 2018-2022, chai nhựa chứa sản phẩm của Tân Hiệp Phát tiếp tục giảm trọng lượng xuống còn 13,25g. Việc giảm sử dụng giấy, bìa vẫn tiếp tục được thực hiện. Thế nên đến hiện tại, tổng số nhựa, giấy cắt giảm được lên đến 70.000 tấn. Mục tiêu của tập đoàn là đến năm 2027 sẽ giảm được 112.000 tấn nhựa và giấy bìa, tái chế sử dụng hàng chục tấn nguyên liệu này.

Cùng với thực hiện kế hoạch trên, tập đoàn đã nghiên cứu, tái chế, đưa vào sử dụng tấm nhựa pallet. Nói về sản phẩm này, bà Trần Uyên Phương cho biết: “Sau 2 năm nghiên cứu thì Tân Hiệp Phát đã cho ra đời sản phẩm này, đúng dịp kỷ niệm 27 năm ngày thành lập công ty, 15-10-2021. Sản phẩm được hoàn thành trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp của năm 2020-2021. Đây là món quà cho toàn thể nhân viên công ty vì chúng tôi muốn tìm ra sản phẩm có giá trị thực sự cho xã hội”. Bà Trần Uyên Phương cũng cho biết thêm, triển khai kinh tế tuần hoàn dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn chủ động, không chờ đợi nhận được sự hỗ trợ rồi mới triển khai, bởi đây là việc phải làm để doanh nghiệp phát triển bền vững, có thể đi xa hơn.

Giải bài toán có “tuần hoàn” nhưng chưa có “kinh tế”

Dù mạnh dạn, chủ động triển khai kinh tế tuần hoàn vì đây là hướng đi của tương lai, song từ thực tế của doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: Thói quen tiêu dùng, nhận thức về kinh tế tuần hoàn; khung pháp luật và chính sách chưa hoàn thiện; liên kết, quy hoạch chuỗi giá trị phục vụ cho ngành công nghiệp phù hợp với quy mô thu gom, đặc thù địa lý và điều kiện kinh tế xã hội từng khu vực để triển khai tái chế hiệu quả về kinh tế… Cụ thể hơn, doanh nghiệp thấy cần được thông tin cụ thể về cơ chế thu gom rác thải nhựa, giá thu mua và hóa đơn đỏ. “Mô hình kinh tế tuần hoàn của tập đoàn hiện nay là có tuần hoàn nhưng chưa có kinh tế. Chẳng hạn như với việc đầu tư công nghệ aseptic để giảm trọng lượng chai nhựa mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn. Xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng không chỉ là bài toàn đầu tư, vốn, mà còn là lựa chọn mô hình để tuần hoàn nhưng phải kinh tế. Đây là khó khăn chung của doanh nghiệp.

Tân Hiệp Phát vạch ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể cho kinh tế tuần hoàn

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ở cấp độ doanh nghiệp, Việt Nam đã bước đầu hình thành một số mô hình kinh tế tuần hoàn. Kết quả khảo sát, điều tra (Nguyễn Hoa Cương và cộng sự, 2022) cho thấy, mức độ áp dụng kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp là tương đối thấp, cả ở góc độ đổi mới mô hình kinh doanh và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Tỷ lệ các doanh nghiệp chưa từng áp dụng bất kỳ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh và/hoặc mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn nào là 37,6%. Đáng chú ý, các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, khoa học công nghệ, đào tạo, thị trường, mặt bằng sản xuất… khá thấp, chỉ chiếm từ 2-15% tuỳ theo từng hình thức hỗ trợ; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh cho dây chuyền áp dụng quy trình kinh doanh tuần hoàn là nhóm có tỷ lệ nhận được hỗ trợ thấp nhất. Phần lớn các doanh nghiệp tiên phong triển khai kinh tế tuần hoàn là chủ động, không chờ đợi sự hỗ trợ, thúc giục.

Từ thực tế doanh nghiệp mình, bà Trần Uyên Phương cũng cho biết, ở Tân Hiệp Phát, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn thể hiện văn hóa của doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm của công ty đối với môi trường mà mình sinh sống cũng như với quyền lợi của người tiêu dùng.

Kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu

Ở các nước phát triển, kinh tế tuần hoàn được người dân nhận thức từ khá sớm. Sản phẩm của doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ được người dân ủng hộ, ưu tiên mua sắm. Ở Việt Nam, nhận thức của nhiều người về kinh tế tuần hoàn vẫn còn mơ hồ. Tuy vậy, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV vẫn nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế xanh, bền vững. Tuy nhiên, khái niệm và nội hàm vẫn có sự khác biệt nhất định so với kinh tế xanh. Vì vậy, cần xây dựng và thực thi các cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn gắn với kinh tế xanh là yêu cầu quan trọng trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2021, Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng gần 370 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) trong giai đoạn 2022-2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, với lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu trong đó 35% từ ngân sách, 65% từ nguồn tư nhân (trong và ngoài nước). “Chúng tôi kiến nghị cần xây dựng và thực thi “văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh” – ông Cấn Văn Lực nói.

Theo GS.TS Nguyễn Mại, làm kinh tế tuần hoàn ban đầu mất nhiều chi phí nhưng sau đó không chỉ có lợi mà người tiêu dùng tăng được sự nhiệt tình tiêu dùng hàng hóa của doanh nghiệp. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương kiến nghị, cần đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức mang tầm quốc gia dành cho người dân về phân loại rác tại nguồn; mở rộng đào tạo hướng dẫn, phổ biến tới doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh về kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện luật, quy định, chính sách, hướng dẫn; đặc biệt, cần đưa ra thước đo về thực thi kinh tế tuần hoàn để làm căn cứ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; đưa ra khung cơ sở hưởng ưu đãi cho các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn; quy hoạch khu công nghiệp dành cho chuỗi giá trị liên quan tới ngành tái chế phục vụ một khu vực địa lý nhất định.

Link: https://www.anninhthudo.vn/giai-bai-toan-kinh-te-tuan-hoan-doanh-nghiep-chu-dong-nhung-cung-can-duoc-tiep-suc-post516503.antd