Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công” diễn ra vào sáng 25/6 tại Hà Nội.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sự kiện thường niên lần thứ 3: Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”.
Tham dự chương trình có: Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái; Bà Trần Thị Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch); Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Hồng Phong – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông; Ông Nguyễn Cảnh Hồng – Chủ tịch Câu lạc bộ Sao Đỏ – Tổng giám đốc tập đoàn Eurowindow; Ông David Tay – Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia & Việt Nam; Bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát; Bà Nguyễn Ngọc Mỹ – Thành viên Hội đồng quản trị Alphanam Group; Ông Bùi Tuấn Minh – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân Deloitte Việt Nam; Ông Hoàng Hùng – Phó Tổng Giám đốc, Phụ trách phát triển thị trường PwC Việt Nam; Ông Nguyễn Duy Ninh – Chủ tịch lâm thời CLB Kế nghiệp Việt Nam, Giám đốc điều hành Cty CP Tập đoàn Hồ Gươm; Bà Vũ Thị Mai – Tổng Giám đốc Công ty đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai; Ông Nguyễn Văn Mỹ – Chủ tịch CLB CEO Hà Nội; Ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
Diễn đàn còn thu hút sự tham gia của đại diện của các phòng ban, chi nhánh của VCCI và hàng trăm doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước.
DOANH NGHIỆP GIA ĐÌNH – CÁI NÔI CỦA NỀN KINH TẾ
Khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội khi đề xuất cho phép được nghỉ ngày Doanh nhân gia đình 28/6. “Hiện những giá trị nền tảng gia đình đang lung lay bởi nhiều yếu tố xung đột, trong khi đó, cái nôi của nhân văn quan trọng nhất là gia đình. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị bổ sung ngày gia đình Việt Nam là ngày nghỉ, Quốc hội đang thảo luận và cho ý kiến”, TS Vũ Tiến Lộc cho biệt.
Theo đó, Chủ tịch VCCI khẳng định, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Theo khảo sát 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy tổng số vốn của các doanh nghiệp gia đình này lên đến trên 3.000 tỷ USD.
“Điều này đồng nghĩa những doanh nghiệp gia đình của nền kinh tế thế giới hiện lớn hơn quy mô nền kinh tế Việt Nam. Do đó có thể hiểu họ chính là một nền kinh tế” – Chủ tịch VCCI nhận định.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, hiện 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các doanh nghiệp gia đình với những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder….
Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido…
Khẳng định các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc một lần nữa nhấn mạnh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.
Để thành công trong doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định. “Phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị và tình trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị doanh nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy doanh nghiệp mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt sự thua kém doanh nghiệp khác và rồi thất bại”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới cũng cho thấy bài học tuyển dụng các thành viên vào vị trí quản trị phải chuyên nghiệp. Thậm chí, nếu thành viên gia đình không đảm bảo năng lực quản trị hoàn toàn có thể tuyển dụng nhân sự quản trị từ bên ngoài. Tuy nhiên, các thành viên gia đình sẽ thuận lợi hơn nhiều so với nhân sự từ bên ngoài bởi bên cạnh năng lực trong quản trị sẽ là sự gắn kết gia đình.
TS Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: “Nếu thành viên trong gia đình là người quản trị doanh nghiệp, ngoài chỉ số về IQ sẽ có thêm chỉ số tình yêu, nếu phát huy được tình yêu đó cộng với các yếu tố về quản trị chuyên nghiệp sẽ tạo cảm xúc và sáng tạo trong phát triển kinh doanh”.
Liên tưởng đến hình ảnh những bà mẹ là doanh nhân, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, những bà mẹ là doanh nhân sẽ có những đứa trẻ yêu kinh doanh từ bụng mẹ, được dạy về kinh doanh từ thuở trong nôi. Những thế hệ kế nghiệp này sẽ có lợi thế lớn hơn.
“Kế nghiệp vốn là sự kế thừa và tiếp tục, nhưng kế nghiệp hiện nay không còn đơn giản như vậy, kế nghiệp phải là sự kế nghiệp sáng tạo. Trong quản trị doanh nghiệp các doanh nghiệp gia đình hãy quan niệm doanh nghiệp như gia đình mở rộng, những người làm thuê cũng như người trong gia đình, gia đình hoá công ty tức là xây dựng văn hoá công ty như xây dựng văn hoá gia đình. Phải xây dựng được mô hình quản trị đối xử với các thành viên và khách hàng như gia đình, phải quan tâm tới người lao động, khách hàng như anh em trong gia đình. Đây là công thức thành công”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch VCCI khẳng định, tình yêu gia đình chính là động lực cho doanh nghiệp gia đình phát triển. “Doanh nghiệp gia đình như một con tàu, mỗi thế hệ kế nghiệp là lắp thêm 1 toa mới, những bánh lái và đường ray của nó phải được thiết kế theo nguyên tắc kỹ trị chuyên nghiệp. Phải theo cách đó doanh nghiệp gia đình mới phát triển bền vững”, TS Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Theo đó, xây dựng được hệ thống quản trị chuyên nghiệp và vận hành được hệ thống đó chính là yếu tố then chốt tạo sự thành công của doanh nghiệp gia đình. “Tôi cho rằng, ở Việt Nam doanh nghiệp gia đình đầu tiên chính là Âu Cơ và Lạc Long Quân với một người làm kinh tế rừng, một người làm kinh tế biển – đó có thể xem là hình thái tập đoàn kinh tế gia đình đầu tiên tại Việt Nam. Đó là một tuyên ngôn về bình đẳng giới, về sự phát triển của doanh nghiệp gia đình của Việt Nam. Mai An Tiêm cũng là doanh nghiệp gia đình như thế. Sau này, là doanh nghiệp gia đình của doanh nhân Bạch Thái Bưởi… Như vậy, từ xa xưa, tinh thần của doanh nhân Việt, của doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã là động lực của phát triển kinh tế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, hệ thống quản trị doanh nghiệp phải được xây dựng và phát triển bền vững. “Ở Việt Nam nhiều địa phương, doanh nghiệp còn chưa hiểu nhiều về phát triển bền vững. Tuy nhiên, mới đây, tại TPHCM đã có 1 trường dạy học sinh về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Do đó, các doanh nhân cần giáo dục điều này trong doanh nghiệp gia đình, mỗi doanh nhân đi trước sẽ chính là giáo dục trực quan cho phát triển bền vững tại mỗi doanh nghiệp gia đình”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Nhắc tới 4 câu thơ cuối trong bài Núi Đôi của nhà thơ Vũ Cao, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, nếu ứng vào các doanh nghiệp gia đình thì có thể được thay đổi là: “Anh làm doanh nghiệp sao trên mũ/Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi SDGs”. Trong đó, với doanh nghiệp gia đình Việt Nam thì sao là sao vàng chất lượng, bông hoa trên đỉnh núi chính là mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông David Tay – Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia & Việt Nam cho biết, doanh nghiệp gia đình là chủ đề yêu thích của ông bởi chính gia đình của ông cũng là doanh nghiệp gia đình.
“Cha tôi đã thừa kế sự nghiệp ông nội, sau đó, anh trai tôi lại kế nghiệp lại sự nghiệp của cha tôi. Doanh nghiệp gia đình của chúng tôi cũng trải qua nhiều sóng gió như bộ phim dài tập vậy”, ông David Tay chia sẻ.
Theo ông David Tay, doanh nghiệp gia đình có những tác động lớn nên nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp gia đình chiếm 66% GDP toàn cầu, đóng góp từ 60.000 đến 70.000 tỷ USD cho toàn cầu.
Đáng chú ý hơn, ông David Tay cho biết, theo thống kê của PWC, doanh nghiệp gia đình tạo ra hơn 60% giá trị nền tảng trên thế giới.
Ngoài ra, khảo sát của PWC cũng cho thấy, 80% doanh gia đình kỳ vọng doanh thu của doanh nghiệp gia đình tăng ở mọi lĩnh vực, có đến 69% kỳ vọng doanh nghiệp thu cao hơn, và có 16% kỳ vọng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ.
Ngoài ra, khảo sát của PWC cũng cho thấy doanh nghiệp điều hành ở thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai thường là giai đoạn doanh nghiệp có doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, xu hướng giảm dần từ thế hệ thứ ba, thứ tư trở đi.
Đồng thời, ông David Tay cũng cho biết: Một nghiên cứu khác cho thấy điểm tương tự, chỉ 30% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ 2, chỉ 12% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ ba và và chỉ 3% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ tư.
Đồng thời, khi PWC tiến hành khảo sát về kế hoạch của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam trong thời gian tới cho thấy, chỉ 57% doanh nghiệp sẽ có kế hoạch bàn giao trong 10 năm tới. Tuy nhiên, con số này cao hơn ở các nước Đông Nam Á.
Tại Diễn đàn, ông David Tay đã chia sẻ 5 yếu tố dẫn đến thành công khi xây dựng kế hoạch chuyển giao thành công ở thế hệ thứ nhất: Đầu tiên, thế hệ thứ nhất phải xác định được họ muốn để lại gì, chuyển giao như thế nào cho thế hệ thứ hai?; Thứ hai, họ phải xác định được một kế hoạch chuyển đổi lãnh đạo thế nào?; Thứ ba, là có đội ngũ cố vấn phù hợp hơn để việc chuyển giao được dễ dàng hơn; Thứ tư, là tiếng nói và và sự tư vấn từ Hội đồng quản trị của công ty, bởi đây chính là đội ngũ có góc nhìn đa dạng, họ đối mặt với sự thay đổi liên tục trước thời dại kỹ thuật số nên họ hoàn toàn có thể đưa ra lời khuyên giúp chuyển giao kế hoạch thành công; Cuối cùng, xác định điều cần cải tiến trong kế hoạch kế nghiệp và được xem là điều cần thiết trong kế hoạch kế nghiệp.
Cùng với đó, ông cũng nêu ra 5 bước cho thế hệ kế cận để chuyển gia thành công.Thứ nhất, thế hệ kế nghiệp thứ hai xác định được điều gì chờ mình ở phía trước, ai là người được kế nghiệp; Thứ hai, thế hệ kế nghiệp thứ hai cần được trao đổi với thế hệ thứ nhất để nhận thấy rằng quan điểm và suy nghĩ của mình được lắng nghe; Thứ ba, thế hệ kế nghiệp thứ hai cần hệ thống tư vấn pháp lý và thuế tốt để tiết kiệm thời gian; Thứ tư, trao cho thế hệ kế nghiệp những nhà cố vấn giỏi; Thứ năm, thế hệ kế nghiệp cần được chuyển giao công việc một cách rõ ràng.
Ngoài ra, ông David Tay cũng lưu ý rằng đối với thế hệ kế cận, họ cần học hỏi kinh nghiệm từ bên ngoài, giúp họ hiểu thế nào là giá trị của việc đi làm thuê, hiểu được ý tưởng làm thế nào cho doanh nghiệp của chính mình.
CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP GIA ĐÌNH
Tại Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã chia sẻ một số thực trạng trong quá trình chuyển giao doanh nghiệp gia đình và mong muốn nhìn ở góc độ của cơ quan quản lý.
“Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước chúng tôi mong muốn rằng, quá trình chuyển gia kế nghiệp trong các công ty gia đình làm thế nào được càng lâu càng tốt, làm thế nào các doanh nghiệp Việt Nam có thể tồn tại được 100 năm” – ông Hiếu chia sẻ.
Theo đó, nhìn lại thời điểm khởi nghiệp của các doanh nhân gia đình Việt Nam từ những năm 1990, thời điểm đó, các doanh nhân khởi nghiệp thường ở tuổi 30-35, đến nay những doanh nhân đó cũng đã ở tuổi 70 tuổi. Ở thời điểm này, vấn đề chuyển giao kế nghiệp là rất quan trọng và là vấn đề lớn trong mỗi doanh nghiệp gia đình.
Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Phan Đức Hiếu quan ngại, đó là làm thế nào để doanh nghiệp chuyển giao với tầm nhìn rộng hợn, chiến lược tốt, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời phải tách biệt giữa hoạt động sở hữu và điều hành công ty, phải chọn được người có năng lực, nếu trong thế hệ tiếp theo nếu chưa có năng lực quản trị hãy chờ đến thế hệ tiếp theo.
Trao đổi xung quanh chủ đề này, ông Bùi Tuấn Minh – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân Deloitte Việt Nam cho rằng, bản chất tên của doanh nghiệp gia đình đã nói lên nhiều điều. Là thế hệ thứ ba trong một doanh nghiệp gia đình, ông Minh cho biết, chuyển giao thế hệ là sự hiểu nhau. Ví dụ thế hệ F1 có thực sự hiểu thế hệ F2 hay không. Theo nghiên cứu, trong khi thế hệ F1 đặt nặng vấn đề tăng năng suất thì thế hệ F2 có đặc tính thích sự linh hoạt và cảm tính, sáng tạo. Như vậy có nhiều sự khác biệt trong suy nghĩ của hai thế hệ này, do đó, thế hệ F1 cần lắng nghe thế hệ F2 nhiều hơn.
“Tôi từng nhìn thấy hai cha con vào chung một nhà hàng, cả hai đều không nói chuyện với nhau cho tới khi có người thứ ba xuất hiện. Do đó, dù có chuyển giao thành công hay không, sự chia sẻ nên bắt đầu từ mỗi bữa ăn trong gia đình. Trong gia đình nói chuyện, hiểu, tin tưởng và đồng cảm được với nhau rồi hãy đặt vấn đề chuyển giao”, ông Minh nhìn nhận.
Cùng với đó, ông Minh cho biết, với nền kinh tế tuần hoàn đặt ra yêu cầu về thay đổi mô hình kinh doanh trong xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới. Thế hệ F2 là thế hệ đang tiếp nhận những dấu hiệu thay đổi này, do đó, cần để thế hệ này phát huy những yếu tố này trong phát triển doanh nghiệp ở giai đoạn tiếp theo của doanh nghiệp gia đình.
Đại diện cho thế hệ F2 trong doanh nghiệp gia đình, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, tất cả các thế hệ phải thay đổi tư duy, từng thành viên trong gia đình phải cởi mở hơn khi cùng tham gia điều hành tổ chức. Mục tiêu của tổ chức của doanh nghiệp cần được ưu tiên trên hết.
“Truyền thống trong gia đình cũng là vấn đề quan trọng bởi bản thân các thành viên trong gia đình còn không thể giao tiếp thì sẽ rất khó khăn với các thành viên khác trong doanh nghiệp. Trong một doanh nghiệp, có ba nhóm thành viên: thành viên là những người điều hành quản trị, các thành viên trong gia đình có cổ phần và các thành viên gia đình khác. Khi tất cả các vai trò được gom lại vừa gia đình, vừa quản trị, vừa là cổ đông thì rất khó”, bà Uyên Phương cho biết.
Tại Tân Hiệp Phát, quyền lực vô hình của nhà sáng lập được tách ra tới 2-3 vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và vai trò người điều hành quản trị hàng ngày. Nếu tách bạch 3 vai trò đó sẽ hình thành tổ chức vận hành đơn giản hơn, hơn 5.000 nhân viên sẽ dễ tương tác với nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT.
Do đó, tại Tân Hiệp Phát có cả Ban cố vấn với các chuyên gia và TGĐ doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Ban cố vấn chỉ làm việc duy nhất là chất vấn Chủ tịch HĐQT. Theo đó, Chủ tịch phải giải thích cho những người không tham gia vào quá trình điều hành về những quyết sách, hoạt động của doanh nghiệp, đây là sự cởi mở của người sáng lập Tân Hiệp Phát. “Đây cũng chính là giải pháp của Tân Hiệp Phát để lựa chọn được những nhà quản trị có năng lực đồng thời đưa cả những nhân sự từ bên ngoài vào, phát triển doanh nghiệp bền vững”, bà Uyên Phương cho biết.
Chia sẻ về một trong những nét văn hoá của doanh nghiệp Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương cho biết, Tân Hiệp Phát đã xây dựng được một yếu tố văn hoá vô cùng quan trọng, đó là văn hoá ghi nhận những người xung quanh. Đây là một nét văn hoá chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.
Đồng thời, Tân Hiệp Phát cũng đã kêu gọi 2 sáng lập của mình tham gia phát động phong trào “Người Tân Hiệp Phát yêu”. Để tiên phong cho phong trào này, ông Trần Quý Thanh – Nhà sáng lập Tân Hiệp Phát đã gửi tặng bà Phạm Thị Nụ một bài thơ nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày cưới. Đây là bài thơ chân tình thể hiện nỗi niềm sau 40 năm chung sống, rằng ông chưa bao giờ tặng hoa, tặng quà cho bà, mà chỉ có bờ vai vững chắc thôi! Bài thơ đã gây ra sự xúc động lớn cho bà Phạm Thị Nụ.
“Nói một ví dụ như vậy tôi muốn nhấn mạnh tới cách xây dựng về văn hoá doanh nghiệp và giá trị gia đình của Tân Hiệp Phát” bà Phương nhấn mạnh.
Là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ, ông từng đi tìm hiểu và tham quan nhiều mô hình doanh nghiệp gia đình tại Thái Lan và Đài Loan.
“Quá trình này giúp tôi hiểu rằng, trong doanh nghiệp gia đình, việc học cách tôn trọng và gần gũi nhau và điều vô cùng quan trọng. Quá trình thường xuyên trao đổi cũng là cách để các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn khi cùng nhau lãnh đạo doanh nghiệp gia đình”, ông Đoàn chia sẻ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Trần Thị Tuyến Ánh – Vụ trưởng Vụ gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt đã có đóng góp lớn vào nền kinh tế.
“Thông qua bữa cơm gia đình có nhiều thông tin để trao đổi, gắn kết, trao quyền kế nghiệm của các bậc tiền bối đi trước cho thế hệ đi sau, để thế hệ đi sau có thêm kinh nghiệm vững bước”, bà Ánh chia sẻ.
Bà Ánh cũng đề xuất khung khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi khi tranh chấp phát sinh giữa các thành viên trong gia đình.
“Ở một số nước có hiến pháp gia đình để bảo vệ các thành viên trong gia đình khi xảy ra tranh chấp, dù việc để xảy ra tranh chấp giữa các thành viên trong doanh nghiệp gia đình là điều không ai mong muốn. Do đó, tôi đề xuất Chính phủ cùng các chuyên gia ngồi đầy cùng nhau nghiên cứu một bản Hiến pháp gia đình để bảo vệ các thành viên trong gia đình”, bà Ánh đề xuất.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Duy Ninh – Chủ tịch lâm thời CLB Kế nghiệp Việt Nam, Giám đốc điều hành Cty CP Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, doanh nghiệp gia đình tư nhân của Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ. Sự chuyển giao kế nghiệp bản chất là tiếp quản trọng trách lớn, nhiều thế hệ F2 có khả năng nhưng không có mong muốn.
“Thế hệ F1 tỷ lệ càng về sau càng giảm đi. Theo suy nghĩ của tôi, việc chuyển giao đó bản chất là bàn về đào tạo nhân sự lãnh đạo. Một đứa trẻ từ bé đến lớn có nhiều giai đoạn, nhà lãnh đạo lại yêu cầu nhiều kỹ năng. Do đó, chỉ số IQ và EQ cần được hình thành sớm trong mỗi đứa trẻ. Kinh nghiệm cũng cần được tính xem được chuyển giao như thế nào? Sau đó mới là câu chuyện phối kết hợp với thế hệ đi trước”, ông Nguyễn Duy Ninh nhấn mạnh.
Theo ông Ninh, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam nên có cấu trúc gắn kết hơn nữa hỗ trợ các thành viên, nhất là các thế hệ trong tương lai. Hội đồng có thể hỗ trợ thành viên đào tạo riêng theo từng nhóm ở nước ngoài. Cho các thành viên cơ hội trải nghiệm. Các thành viên hỗ trợ lẫn nhau, kết hợp với thế hệ F1 mang lại lợi ích cho các thành viên cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu ra chương trình đào tạo cho các thế hệ đi sau. Mời các doanh nhân đi trước chia sẻ bài học thành công, sau đó có thể kết nối với thế giới.
Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, thời gian tới có nhiều gia đình tỷ phú sang Việt Nam để chia sẻ những mô hình doanh nghiệp gia đình thành công của họ. “Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp gia đình của Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm chuyển giao thành công của các doanh nghiệp trên thế giới”, ông Đoàn chia sẻ.
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Ngọc Mỹ – Thành viên Hội đồng quản trị Alphanam Group, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Foodinco chia sẻ rằng, niềm tin, lòng tin chính là công thức có thể gắn kết từng thành viên trong doanh nghiệp gia đình.
“Tôi nghĩ rằng thế hệ chuyển giao và thế hệ được chuyển giao cần chia sẻ nhau với nhau những khó khăn để cùng nhau bước qua”, bà Mỹ chia sẻ.
Ngoài ra, bà Mỹ cho rằng, sự chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ giúp các thành viên trong doanh nghiệp gia đình gắn kết với nhau hơn mà còn hỗ trợ cho quá trình chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ kế nghiệp thành công hơn.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Xí nghiệp sản xuất phân bón Tiến Nông năm 1995 (tiền thân của Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông), ông Phong đã được giao trọng trách Giám đốc Công ty, khi đó ông mới 22 tuổi.
“Điều này đã vừa tạo áp lực vừa là cơ hội để tôi khẳng định bản thân và trau dồi kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường” – ông Phong cho biết.
Nhớ lại một kỷ niệm trong cuộc đời của mình và cho thấy tầm quan trọng của kế hoạch chuẩn bị việc chuyển giao kế nghiệp, để quản trị rủi ro, ông Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, năm 2016 ông bị ốm nặng gần một tháng. Khi đó, mọi hoạt động của công ty gần như bị “đình trệ”, doanh nghiệp như “rắn mất đầu”. Sau lần đó, ông Nguyễn Hồng Phong nhận ra rằng, việc chuẩn bị kế nghiệp là rất quan trọng.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đang trong giai đoạn chuyển giao kế nghiệp cho thế hệ thứ 3. Khác với xu hướng chung của các doanh nghiệp gia đình khác, thường đào tạo thế hệ kế nghiệp tại các nước phát triển với nền giáo dục tiên tiến, tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Phong lại khuyến khích cho thế hệ thứ 3 là Nguyễn Đức Minh học tập trong nước thay vì đi du học Anh Quốc mặc dù nhận được học bổng và sớm tham gia vào hoạt động của công ty ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất đại học.
Hiện nay, Nguyễn Đức Minh đang là sinh viên năm thứ nhất, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân. Theo đó, Nguyễn Đức Minh đã chính thức trở thành một trong những cổ đông của Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường.
Chia sẻ về một trong những triết lý kinh doanh của Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, ông Nguyễn Hồng Phong cho biết: “Chúng tôi luôn hướng đến việc xây dựng nét văn hoá doanh nghiệp là một tập thể lớn, đó là gia đình Tiến Nông hiện nay đang có hơn 600 thành viên. Chúng tôi hoạt động với phương trâm “muôn sự là của chung, hơn nhau một chữ đi cùng”, điều này khiến cho mọi thành viên trong Tiến Nông thấy được trách nhiệm chung và làm việc bằng sự nhiệt huyết của mỗi cá nhân, chứ không phải công ty của riêng ai”.
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm chia sẻ, thế hệ F2 bắt đầu đã bị áp lực quá lớn nhưng nhiều khi thế hệ F1 không hiểu. “Tôi cho rằng việc F2 phải nhận chuyển giao và quản lý một khối tài sản hàng trăm, hàng tỷ đồng và thậm chí lớn hơn nữa sẽ là áp lực hơn rất nhiều so với thế hệ F1 – khi chúng ta mới chỉ quản lý vài chục triệu. Do đó, thế hệ F1 đi trước phải tin tưởng kề vai sát cánh và luôn lắng nghe. Đừng chỉ nghĩ thế hệ F2 toàn là thuận lợi”, bà Ty nhìn nhận.
Bà Vũ Thị Mai – Tổng Giám đốc Công ty đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai bày tỏ: “Bản thân tôi tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao cho con trai tôi – thế hệ F2. Nhưng điều tôi nhận thấy rằng chúng tôi có những nhiệt huyết, tình yêu nghề và cố gắng đưa được những sản phẩm mang tính văn hoá truyền thống vào sản phẩm của doanh nghiệp; thì những điều đó chưa được truyền sang tới thế hệ F2. Vậy làm thế nào để truyền lửa được điều đó thì cần các doanh nhân thế hệ F1 chia sẻ hôm nay”.
Với các thế hệ F2, cải thiện mối quan hệ với thế hệ đi trước là cực kỳ khó khăn, thậm chí là phải rất kỳ công. Theo ông Đoàn, có nhiều kỹ năng cần thiết được triển khai như nêu cao tính trách nhiệm của thế hệ F2 để thế hệ F2 hiểu hơn và có ý thức trách nhiệm hơn trong công việc. Cũng có nhiều trường hợp, thế hệ F2 chưa đủ năng lực để đảm đương thì chỉ nên cho nắm giữ một trong những vấn đề của công ty như nhân lực và tài chính, việc quản trị điều hành trực tiếp có thể là người ngoài. Đây sẽ là cố vấn quan trọng, gần như người “cơ trưởng” hậu thuận cho thế hệ F2 chèo lái trong vài năm. Nói như vậy cũng có nghĩa là có nhiều khi, doanh nghiệp gia đình cần huy động các nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ cũng như thúc đẩy tinh thần cho thế hệ đi sau.
Ông Hoàng Hùng – Phó Tổng Giám đốc, Phụ trách phát triển thị trường PwC Việt Nam khẳng định, để quá trình chuyển giao doanh nghiệp kế nghiệp diễn ra thành công thì việc chuyển giao về mặt trách nhiệm là điều vô cùng quan trọng. Các bạn thế hệ trẻ luôn có cái nhìn về vấn đề tốt hơn, năng động hơn. Do đó, các thế hệ F1 cần phải tôn trọng và tận dụng được những ưu điểm đó để chuyển giao thế hệ được thành công.
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Phạm Văn Thể – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà cho biết, Hoàng Hà đang gặp phải khó khăn trong việc chuyển giao kế nghiệp. “Trước đó, tôi đã dự định sẽ chỉ điều hành đến năm 60 tuổi sau đó sẽ “nghỉ hưu”. Tuy nhiên, năm nay tôi đã 60 tuổi nhưng việc chuyển giao vẫn khó khăn. Vì vậy, tiến trình này của chúng tôi dường như đang bị chậm lại” – ông Thể cho biết.
“Con trai và con gái tôi đều đi du học tại nước ngoài lần lượt trong các ngành tài chính và marketing. Tuy nhiên, khi tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như con trai tôi đã phụ trách hoạt động tài chính rất tốt, song khi tham gia vào hoạt động quản trị thì lại khó khăn. Bởi vì những kinh nghiệp học được ở nước ngoài nếu áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc vào người lao động Việt Nam thì họ sẵn sàng bỏ và không hiệu quả” – ông Thể chia sẻ thêm.
Theo ông Thể, “để chuyển giao thế hệ thành công, chúng tôi đang tính đến việc bán một số dự án đầu tư nhằm trả bớt nợ ngân hàng, để khi điều hành doanh nghiệp cho thế hệ tiếp theo sẽ nhẹ nhàng hơn”.
Chia sẻ về câu chuyện chuyển giao thế hệ, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings nêu ra những khó khăn trong quá trình chuyển giao.
“Tại các doanh nghiệp gia đình Việt Nam, việc chuyển gia doanh nghiệp cho thế kế nghiệp thứ hai nhưng thế hệ thứ hai lại không yêu thích công việc kinh doanh là điều vô cùng khó. Đó là chưa kể, trách nhiệm và gánh nặng chuyển giao cho thế hệ thứ hai cũng là áp lực vô cùng lớn”, bà Hường chia sẻ.
Theo bà Hường, thế hệ kế nghiệm trong gia đình mình nếu đam mê thì mới chuyển giao. “Nếu không hãy giữ niềm tự hào có thương hiệu mạnh như thế. Đồng thời, hãy để những người thực sự năng lực đứng vị trí điều hành. Trong trường hợp này, thế hệ F2 có thể trở thành cổ đông của công ty. Đây cũng là phương án tốt cho doanh nghiệp”, bà Hường nhìn nhận.
Đồng thời, trong trường hợp thế hệ kế nghiệp vẫn muốn chuyển giao doanh nghiệp cho các thành viên trong gia đình, ở trường hợp này, bà Hường cho rằng, có 2 cách thức chuyển giao doanh nghiệp thế hệ thành công. Thứ nhất:Sử dụng các tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ cho thế hệ kế nghiệm. Thứ hai: Sử dụng cấu trúc doanh nghiệp chuyên nghiệp để lãnh đạo công ty.
Dưới quan điểm của chuyên gia tư vấn, ông Bùi Tuấn Minh – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân Deloitte Việt Nam cho rằng, chủ doanh nghiệp nên xác định câu chuyện đặt con cái và người thân trong vùng nào. Có thể bắt đầu là vùng sở hữu, sau khi sẵn sàng tham gia vào hoạt động kinh doanh thì sẽ đặt vào vùng điều hành. Còn nếu trường hợp thế hệ sau không kế nhiệm thì sẽ là vùng gia đình.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Hoàng Hùng – Phó Tổng Giám đốc, Phụ trách phát triển thị trường PwC Việt Nam cho rằng, chúng ta nên có kế hoạch, chỉ có 15% các doanh nghiệp gia đình có kế hoạch chuyển giao bài bản, 85% còn lại mang tính cảm tính. Tuy nhiên trong 15% doanh nghiệp gia đình cũng không phải tất cả đều chia sẻ. Phải mất 5-15 năm thì quá trình chuyển giao mới thành công được, để xây dựng thành công đội ngũ kế nhiệm. Trong doanh nghiệp gia đình sự chuyển giao mang tính chất truyền lửa. Việc chuyên nghiệp hoá các doanh nghiệp gia đình phải được các doanh nghiệp xác định hướng đi.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng cho rằng, doanh nghiệp đang trên đà phát triển tốt, nếu không kế nghiệp thành công được sẽ là lãng phí. Bởi không đơn thuần là phát triển sự nghiệp của mỗi gia đình, đất nước còn cần nhiều doanh nghiệp lớn mạnh. Đã đến lúc doanh nghiệp nghĩ tới ngoài trách nhiệm gia đình sẽ là trách nhiệm xã hội.
(Thảo Hiền, Phương Hằng, Hà Trang, Thành Thanh, Tuấn Ngọc/ Enternews)