*Bài viết đạt giải 3 thể loại tùy bút trong Hội thi Báo tường THP
Tác giả: Nguyễn Sỹ Tuân, nhà máy Number One Hà Nam
Những ngày này, chúng tôi – tập thể những con người Tân Hiệp Phát – đang hướng đến kỷ niệm 24 năm ngày thành lập Tập đoàn. Từ trong sâu thẳm, mỗi người đều có một niềm hân hoan, tự hào, mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào thành công chung của Đại gia đình. Những ngày này đối với chúng tôi, những thành viên của Tân Hiệp Phát, đều có xúc cảm rất đặc biệt đối với đồng nghiệp và lãnh đạo của mình. Trong suy nghĩ về sếp của mình – anh Hoàng Anh Tuấn, tôi thấy mình thật may mắn khi có rất nhiều cơ hội làm việc cùng anh. Tôi luôn được mở mang tầm mắt và hiểu biết nhiều hơn. Ấn tượng lớn nhất khi tôi được tiếp xúc gần với người lãnh đạo của mình, để hiểu hơn về vai trò và tầm vóc của một Giám đốc Khối với những trọng trách nặng nề thời kỳ cạnh tranh, hội nhập.
Anh luôn khiến mọi người nể phục về cách làm chủ trong công việc. Không những tài giỏi, uyên thâm, tôi còn thấy ở anh là một người sống rất mực tình cảm, nhiệt thành với mọi người. Anh luôn tràn đầy nhiệt huyết với cách anh truyền cảm hứng, động viên nhân viên của mình nỗ lực hơn nữa trong công việc.
Có lẽ trong chúng ta ai cũng đều biết đến bộ đánh giá năng lực lãnh đạo. Chỉ với những câu tinh gọn trong bộ đánh giá mà tôi nghĩ ngoài việc là cẩm nang người lãnh đạo, nó còn là kim chỉ nam trong hoạt động sống và ứng xử hàng ngày của mỗi chúng ta. Bộ đánh giá năng lực lãnh đạo cũng chỉ ra rằng muốn điều hành và quản lý công việc thật tốt, người lãnh đạo phải giúp nhân viên lập ra mục tiêu đến từng phút. Và anh Tuấn đã giúp tôi hiểu được cách khen và chê. Hàng ngày phải luôn dành 1 phút khen ngợi những thành quả tốt, nhằm khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên và chỉ 1 phút khiển trách đối với các việc làm sai trái để giúp họ hiểu rõ trách nhiệm của mình và hoàn thiện bản thân. Không xét đến những trường hợp “ngủ quên trên chiến thắng”, những lời khen ngợi, động viên có ý nghĩa rất lớn đến sự cố gắng, đến tinh thần cầu tiến và phát triển của một cá nhân. Khi bạn có một ý tưởng, sáng kiến, đó không hẳn đã thành nhưng bạn được khen ngợi vì đã nỗ lực, bạn sẽ tiếp tục cống hiến hết sức mình và chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng tiếp theo thành công. Các cải tiến máy đá chai, tay kẹp máy chiết, mở rộng cầu tải, kẹp bìa máy đóng thùng,…ra đời từ những lời động viên đó.
Lãnh đạo của tôi luôn đặt niềm tin để chúng tôi làm việc và sáng tạo mà không hề sợ sệt. Bước vào phòng làm việc của anh, câu khẩu hiệu “Không nêu khó khăn, chỉ nêu giải pháp” khiến tôi bừng tỉnh, thấm thía hơn về tinh thần “Làm chủ trong công việc” và đem nó áp dụng trong kế hoạch làm việc hàng ngày. Anh Tuấn chia sẻ trong một buổi làm việc tại nhà máy: “Chỉ nghĩ đến con đường dẫn tới thành công, đừng tìm cách biện minh cho thất bại”. Những truyền đạt của anh là hành trang cho Phòng Sản xuất Number One Hà Nam tự tin hơn, quyết liệt hơn trong công việc. Chúng tôi đạt 81% 2A chẳng phải có dấu ấn đậm nét của vị thuyền trưởng khối sản xuất đó sao?
Với vốn ngôn từ phong phú, chuẩn mực và lý giải, phân tích vấn đề sắc bén, mọi nội dung anh phát biểu về quản lý công ty hay thậm chí là những chia sẻ thân tình thì chúng đều luôn sống động và dễ hiểu. Mãi sau này tôi mới biết được anh vẫn dành những thời gian nhất định để học thêm nhiều chương trình về quản trị cao cấp khác và đọc sách tìm hiểu những ý tưởng mới từ đồng nghiệp. Đó là những điều đầu tiên tôi ghi nhớ và học theo anh Tuấn.
Tôi dã từng làm việc ở nhiều công ty khác nhau và hay quan sát về môi trường làm việc của bạn bè. Tôi nhận ra rằng, để tồn tại và phát triển, yếu tố con người vô cùng quan trọng trong một tập thể. Và tại Tân Hiệp Phát, tôi cảm nhận các thành viên đều rất nể phục và yêu quý người lãnh đạo; sẵn sàng nhận nhiệm vụ cũng như hết lòng vì công việc.
Khối Sản xuất có đến hơn 1000 nhân viên nhưng anh đều hiểu tính cách từng nhân viên ở mỗi cụm máy khác nhau. Trong các kỳ đánh giá thành tích anh xem xét rất kỹ từng STAR của mỗi nhân viên. Để hoàn tất công việc, anh và chúng tôi phải kết thúc hơn 11h đêm. Anh không quên động viên các quản lý Hà Nam: “Chúng ta cực một chút nhưng việc này rất quan trọng để đánh giá sự đóng góp của từng người, đây là thời gian quý báu để quản lý hiểu hơn về nhân viên, tìm ra những cá nhân xuất sắc để định hướng cho họ phát triển”. Có lần khi xuống thăm Line Aseptic 1, anh ghé lại hỏi thăm: “Nghe nói Tưởng làm việc chăm chỉ và tốt lăm, cố gắng em nhé”. Tôi thấy bạn Đinh Văn Tưởng chỉ “Dạ” một tiếng nhẹ nhưng ánh mắt tràn ngập hạnh phúc.
Có lần tôi hỏi anh: “Tại sao với bao nhiêu bộn bề công việc, trọng trách được Tổng Giám đốc giao mà anh lúc nào cũng thảnh thơi vậy?”. Anh nói: “Bởi vì Tân Hiệp Phát là của anh và của tất cả mọi người”. Anh luôn có mục tiêu lớn của cuộc đời, nhận thức rõ trách nhiệm của mình với tổ chức. Để thôi thúc mình và đội ngũ nỗ lực làm việc, anh đã và sẽ luôn làm việc một cách nhẹ nhàng, thảnh thơi. Giá trị lớn nhất mà anh có được là đội ngũ Quản lý, nhân viên luôn coi công ty là nhà, hết mình vì công việc. Họ vui và đi theo từng bước đi của công ty. Đến bây giờ tôi mới hiểu điều này khi được tận mắt nhìn thấy cách đối xử của Giám đốc khối với các anh chị đồng nghiệp. Khi xem thời tiết thay đổi, mưa, nóng, bão,… anh ngay lập tức gọi điện, dặn dò đến từng nhân viên cẩn thận, giữ gìn sức khỏe. Kiểm tra an toàn thiết bị trong mùa mưa bão.
Có rất nhiều Giám đốc thành công nhưng thực tế để là 1 người lãnh đạo được mọi người yêu quý và kính phục không phải là điều dễ dàng. Tôi chẳng dám bàn sâu về những phẩm chất tạo nên một lãnh đạo, tuy nhiên cá nhân tôi nghĩ rằng người lãnh đạo phải là một ví dụ điển hình cho nhân viên. Chúng ta nhìn vào lời nói, hành động của họ để trau dồi và hoàn thiện mình, trước nhất là kỹ năng, thái độ trong công việc, sau đó là ứng xử trong cuộc sống. Hẳn ai cũng muốn làm việc trong một môi trường thân thiện – chuyên nghiệp, có người lãnh đạo mẫu mực và công tâm, đánh giá đúng năng lực cũng như khuyết điểm của bản thân. Nhưng đó chỉ là những điều chúng ta muốn, còn những điều chúng ta nên làm là gì?
Tôi nghĩ rằng ngoài việc cố gắng, nỗ lực hoàn thành công việc, chúng ta nên yêu quý nơi mình làm. Thử đặt mình vào vai trò người lãnh đạo với rất nhiều suy tư, lo toan và bộn bề công việc, để từ đó thấu hiểu, thông cảm và bớt “đòi hỏi” sếp. Hãy để sếp tự hào về mình.
Anh Tuấn từng chia sẻ: “Tôi còn rất nhiều việc phải làm để Khối mình hoàn thiện hơn nữa”. Anh luôn không bằng lòng với những gì mình có, luôn hướng về phía trước với mục tiêu cao hơn. Vậy thì chẳng có lý do gì mà chúng tôi không tự hoàn thiện bản thân mình. Trước nhất là vì bản thân mình và sau đó là góp phần nhỏ bé cho Đại gia đình Tân Hiệp Phát. Tập thể chúng tôi vững một niềm tin con thuyền Tân Hiệp Phát sẽ cập bến và Vươn tầm Châu Á nếu chúng tôi luôn có một người sếp tuyệt vời như anh Hoàng Anh Tuấn.