Một doanh nghiệp muốn mở rộng ra toàn cầu, cái cốt lõi không chỉ nằm ở chiến lược marketing, tìm kiếm thị trường, mà còn là chất lượng sản phẩm và “hồn Việt” của sản phẩm đó.
Đó là chia sẻ chung của các diễn giả trong buổi tọa đàm “Doanh nhân Trẻ – Khát vọng toàn cầu” với chủ đề “Tăng tốc – Giao thoa nền tảng” diễn ra ngày 27-3-2018, nhân kỷ niệm 16 năm ngày thành lập CLB Doanh nhân 2030 thuộc Saigon Times Club.
Sản phẩm chất lượng, mang “Hồn Việt”
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, ông đã bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1986. Điều ông ấp ủ là làm sao tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt, được bán ra nước ngoài. Và đến nay các sản phẩm trái cây sấy của Vinamit đã có mặt ở nhiều thị trường. Vấn đề quan trọng theo ông Viên là ông tận dụng được thế mạnh sản xuất nông sản của Việt Nam, từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng, nhãn mác, từ đó ông tìm được các thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp.
Ba điều mà ông Viên cho rằng rất quan trọng để đưa doanh nghiệp đến với toàn cầu hóa chính là giữ được bản sắc, cái hồn của sản phẩm, để chỉ cần nghe thương hiệu cũng biết chúng đến từ Việt Nam, phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài và cuối cùng là phải đưa sản phẩm đáp ứng với các tiêu chuẩn quốc tế. “Sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn toàn cầu thì mới mong doanh nghiệp tiến ra thế giới được”, ông Viên nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinacacao, hiện tại Châu Âu có lịch sử làm sô cô la đến khoảng 600 năm, trong khi Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu hạt cacao. Ông cảm thấy giá trị thặng dư của xuất khẩu thô quá thấp nên đã tạo ra những thanh sô cô la mang hương vị Việt. Ông Liêng cho rằng để hướng ra toàn cầu ông có những loại sô cô la có vị khác biệt với sô cô la Châu Âu.
Hiện nay Vinacacao đã phân phối sô cô la của mình tại Starbucks dưới hình thức co-branding, cùng đứng chung thương hiệu trên sản phẩm. Ông Liêng cho rằng yếu tố quan trọng của một sản phẩm toàn cầu chính là chất lượng sản phẩm. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt thì việc dễ dãi với chất lượng sẽ là nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó.
Cùng chia sẻ vấn đề này, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng cho rằng dù các chiến dịch marketing, truyền thông có mạnh cỡ nào, nếu sản phẩm không tốt thì khả năng đối mặt với khủng hoảng là rõ ràng. Vì hiện nay thông tin lan truyền rất nhanh. Bà Phương cũng chia sẻ vụ việc con ruồi trong chai nước giải khát của Tân Hiệp Phát thực sự là khủng hoảng truyền thông. Doanh thu công ty năm đó giảm 10%. Nhưng ngay sau đó, chính những chứng minh về dây chuyền khép kín, đạt chuẩn của Tân Hiệp Phát, cùng với chất lượng sản phẩm đã được khẳng định đã khiến người tiêu dùng không còn quay lưng với sản phẩm. Trong 2017, doanh thu Tân Hiệp Phát tăng 20%.
Ba điều mà ông Liêng cho rằng doanh nghiệp Việt cần có để vươn ra toàn cầu chính là vượt qua rào cản về ngôn ngữ, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, bán hàng, đặc biệt phải tận dụng được các thành tựu của công nghệ 4.0, để xóa nhòa biên giới. Thêm vào đó, yếu tố quan trọng nữa chính là sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía chính phủ để doanh nghiệp bay cao, bay xa hơn.
Đừng quên “luật chơi” và công nghệ
Ông Liêng cho biết một yếu tố quan trọng khi đưa sản phẩm ra nước ngoài chính là tuân thủ quy định pháp lý, cũng như hàng rào kỹ thuật của từng thị trường. Những điều này doanh nghiệp không được quên. Vì chỉ một vụ kiện tụng cũng có thể khiến doanh nghiệp gặp khó.
Nói về chuyện luật chơi, ông Viên cho rằng mỗi thị trường sẽ có những đặc thù khác nhau. Doanh nghiệp dù đã rất nhiều năm làm việc với các đối tác nước ngoài vẫn phải thường xuyên đến các nước để tìm hiểu thị trường mới, quy định mới, luật chơi mới, để từ đó có những áp dụng hay cải tiến cho phù hợp.
Bà Lâm Thị Thúy Hà, cổ đông sáng lập và điều hành Triip.me Corporation kể lại một câu chuyện thú vị, rằng công ty bà đã từng hầu tòa tại Singapore chỉ vì không hiểu rõ quy định của nước này. Và đó là bài học xương máu để công ty trang bị thêm kiến thức về luật của từng thị trường và có những áp dụng cho phù hợp.
Bà Hà cho rằng ngoài hiểu luật chơi thì công nghệ là yếu tố quan trọng trong chiến lược bước ra thế giới của Triip.me. Bà Hà chia sẻ năm 2014 công ty gặp khó khăn, muốn tiếp tục củng cố tài chính, vợ chồng bà đã phải bán nhà. Vậy nhưng sau đó, với sự rót vốn của 2 nhà đầu tư thiên thần, cùng nỗ lực đêm ngày của các thành viên công Triip.me đã mạnh mẽ tăng trưởng và hiện diện tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Triip.me là một nền tảng du lịch kết nối du khách với người dân địa phương trên toàn thế giới. Nền tảng này cho phép tất cả mọi người với ý tưởng về một tour du lịch chia sẻ cuộc sống và câu chuyện cá nhân với khách du lịch.
Bà Uyên Phương cũng cho rằng để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường và xuất khẩu, công ty đã đầu tư 300 triệu đô la Mỹ cho nhà máy với công nghệ hiện đại nhất, không dùng chất bảo quản mà nước giải khát vẫn có thể sử dụng trong một năm. Ngoài ra để bán sản phẩm vào bối cảnh mà công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển công ty cũng đã tiếp cận người dùng thông qua mạng xã hội và bà Phương cho rằng nếu không nhanh chóng hòa nhập với bối cảnh mới, công ty sẽ nhanh chóng tụt lại phía sau.
Hai thế hệ doanh nhân đã trao đổi, chia sẻ những đam mê, khát vọng và mang đến những nhắn nhủ với giới trẻ khi bước ra toàn cầu với sự tâm huyết cao nhất. Các diễn giả “U60” như ông Liêng, ông Viên đều cho rằng gia sản để lại cho thế hệ sau không phải là sự giàu có mà là những giá trị, những trải nghiệm, những bài học sống còn khi kinh doanh.
Bài học đó có khi không dành cho con cái họ, những người có thể chọn cách lập nghiệp khác biệt, mà dành cho những người trẻ với ý chí tiến thủ, lòng đam mê học hỏi những ngành nghề đó và sẵn sàng chịu khó để vượt lên.
Trong khi đó cả bà Phương và bà Hà đều cho rằng người trẻ cần có mục tiêu và chiến đấu hết mình cho những mục tiêu đó, dựa trên niềm đam mê của mình. Học tâp từ các bậc cha chú, học từ thế giới qua Google đều là những bài học quý giá để người trẻ trưởng thành trên thương trường.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn