Chào sếp Thanh!
Hi vọng sếp không bất ngờ khi đọc lá thư này bởi vì con chả viết gì xa xôi đâu. Con viết thư này thực ra là để dự thi Báo tường, nhưng con cũng nhân cơ hội này chia sẻ một chút tình cảm của tụi con dành cho sếp. Thật may mắn cho con – một người còn rất trẻ, kinh nghiệm thì non nớt, chuyên môn thì lẹt đẹt, suy nghĩ lại ba chớp ba nháng, mà lại được tiếp xúc, làm việc và được chỉ dạy bởi sếp, CEO Trần Quí Thanh, vị thuyền trưởng của chiếc tàu Tân Hiệp Phát. Con xin viết về 10 nhận định về sếp mà con nghĩ là “trông vậy mà không phải vậy”.
1. Sếp Thanh là người rất xa cách
Thời điểm con gia nhập công ty là vào đầu năm 2016, khi tất cả mọi người xung quanh con đều đang lên án sếp – người đứng đầu tập đoàn với rất nhiều những thông tin xấu và tin tức tiêu cực liên quan. Lần đầu gặp sếp, sếp vẫn còn hay mặc chiếc áo đỏ thêu rồng như một vị chúa thời Trần. Vóc dáng cao lớn hơn người nhưng bước đi khoan thai, chậm rãi như mãnh hổ, đôi mắt xếch lên trông đầy hung tợn nhưng khi cười lại hiền hòa như mặt trời và con không tin một người có nụ cười hiền hậu như vậy lại xa cách được đâu. Bác Stefan nhà chúng con nhận xét sếp là người đàn ông buồn vui chỉ trong một phút. Thật vậy, trong rất nhiều cuộc họp, sếp có thể đang rất giận dữ và đầy phẫn nộ, một tích tắc sau khi nói về chủ đề khác, sếp lại cười vui và lúc nào cũng là người nói đùa cho mọi người cười nghiêng ngả. Đây là một hình ảnh rất khác, rất bất ngờ và không tưởng đối với hình ảnh mà người ta thường thêu dệt về người đứng đầu Tân Hiệp Phát, mà con tin không báo chí nào có thể mô tả được nếu không bao giờ gặp trực tiếp
2. Sếp Thanh hay bị cảm xúc chi phối
Sếp là một người hay giận dữ, nóng nảy, la lối, nhưng con không nghĩ sếp là người bị chi phối bởi cảm xúc. Sếp chỉ đang sử dụng cảm xúc của mình để truyền cảm hứng cho người khác, để truyền đi một thông điệp cho những những người xung quanh và truyền đi một nhận thức về trách nhiệm để cho những người xung quanh hiểu được kỳ vọng của sếp và thực hiện trách nhiệm của mình một cách trọn vẹn. Đây là một điểm mà con thật sự nể phục.
3. Sếp Thanh đã có tuổi nên sức yếu và thiếu minh mẫn
Ồ cái này là sai quá sai đấy chứ! Nếu tìm một từ để bao quát con người sếp, con xin dành chữ Nhiệt. À không phải do tên sếp là Thanh và trà mang tên là Trà Thanh Nhiệt mà con lấy chữ Nhiệt đâu. Bởi vì con thật sự chưa bao giờ gặp một người làm việc miệt mài quên ngày tháng như sếp. Sếp luôn hừng hực khí thế và máu lửa trong bất kỳ cuộc họp nào mà con được tham gia. Con nhớ một thời điểm mà sếp ra lệnh cho phòng Marketing phải cải tiến hơn 25 quy trình trong vòng 1 tuần, trong khi bác Stefan – Giám đốc khối Marketing, ước tính phải mất 3 tháng, nếu không hoàn tất thì sẽ đuổi hết phòng Marketing. Nhưng sếp đã không để việc đó xảy ra. Sếp cùng tụi con thức khuya hàng ngày, đến nỗi giai thoại họp từ 8 giờ sáng đến 3 giờ sáng hôm sau vẫn còn được nhắc. Tụi con sức trẻ, khỏe mạnh mà mỗi bạn chỉ làm 3-4 quy trình là đuối sức, đêm đến là đói lả, mệt, buồn ngủ và chỉ muốn gục. Còn sếp một mình đi hết 25 quy trình vẫn đầy hăng say miệt mài điều chỉnh từng bước trong quy trình. Nói thiệt là con không biết được cái Nhiệt mà sếp sở hữu từ đâu mà có. Sau trận đó con mới thấm thía một người thuyền trưởng đầy tâm huyết, không bỏ cuộc với đội ngũ. Sếp đã không dẹp phòng Marketing mà ngược lại, sếp đã tiếp thêm sức mạnh cho cả phòng và trải nghiệm đúng câu “Không gì là không thể”.
4. Sếp Thanh là người độc tài, không biết lắng nghe
Cái này con nghĩ có thể vừa đúng vừa sai, nhưng có lẽ sai nhiều hơn. Châm ngôn mà con học được từ sếp là “tự do thảo luận trong định hướng”, tức là người đứng đầu luôn để nhân viên tự do thảo luận, tự do nêu ý kiến và rồi sếp sẽ xoay chuyển mọi người để làm sao mọi người phát biểu ra ý kiến mà sếp đồng thuận. Cái này có thể là tài năng, nhưng con nghĩ không ai hoàn hảo đến độ mà luôn đúng được. Nếu ai cũng lặp lại cái điều mà sếp dạy và cho là quan điểm đúng thì có cái hay là công ty phát triển nhất quán theo một hướng, bỏ qua việc suy xét cái hướng đó đúng hay sai, thì con thấy thật nguy hiểm bởi vì một tổ chức sẽ không bao giờ phát triển nếu không có mâu thuẫn. Con nhớ Mác Lê Nin có luật định “Thật ra trong mỗi sự vật hiện tượng đều tồn tại một mâu thuẫn và đó là cở sở, là nguồn gốc cho sự vận động và phát triển”. Cho phép con nói rằng Tân Hiệp Phát cần lắm những người có khả năng tạo ra mâu thuẫn với sếp, thì mới đúng slogan “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”. Và trong nhận thức và tầm quan sát hạn hẹp của mình, con thấy Stefan thật phù hợp khi tạo ra những mâu thuẫn với sếp, vì Stefan luôn đưa ra những quan điểm từ góc độ khác, đôi lúc cùng quan điểm, đôi lúc lại trái ngược với ý kiến của sếp. Nhờ có Stefan mà con thấy rõ sếp là người cực kỳ biết lắng nghe. Mà cái sự lắng nghe của sếp cũng cực kỳ đặc biệt. Con quan sát thấy sếp sẽ luôn luôn phản bác ý kiến của Stefan (nếu hai người bất đồng quan điểm), rồi sau đó sếp sẽ suy nghĩ, sẽ tư duy, sẽ tìm hiểu thêm mà một thời gian sau đó, sếp chia sẻ các quan điểm này như chính sếp là người nói ra vậy.
Lúc đầu con định viết 10 điều nhưng mà viết được 4 điều là con đuối rồi. Thôi nếu mà phòng con đạt giải thì con sẽ viết tiếp hoặc để dành năm sau nói tiếp nha sếp ha.
Con viết lá thư này có chút hài hước cho vui nhưng cũng là tình cảm mà con dành cho sếp, tình cảm dành cho Tân Hiệp Phát mà con muốn chia sẻ với tất cả các anh chị em. Hy vọng Tân Hiệp Phát sẽ ngày một phát triển và tự tin đưa thương hiệu Việt vươn tầm ra thế giới.
Thanh Trần
(Bài viết đạt Giải Nhì – Hội thi Báo Tường 2018)