Được mời làm giám khảo cùng tham gia phản biện các dự án khởi nghiệp tại Festival Khởi nghiệp 2019, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã có những chia sẻ cởi mở với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về các dự án của chương trình. “Cô gái tỷ đô” Trần Uyên Phương – tác giả của 2 cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” (tiếng Việt) và “Competing with Giants” (tiếng Anh – tạm dịch “Cạnh tranh với người khổng lồ”) cho rằng, để thành công, các start-up cần biết mình muốn gì và tìm cách để đạt được điều đó.
Tân Hiệp Phát rất sẵn sàng gặp gỡ các start-up
– PV: Sau khi nghe các nhóm khởi nghiệp xuất sắc trong chương trình Khởi nghiệp quốc gia năm 2018 trình bày ý tưởng, bà có bày tỏ sự quan tâm đến một số dự án. Bà đánh giá thế nào về ý tưởng của các bạn tham gia chương trình này?
– Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương: Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Tôi đánh giá các bạn rất tâm huyết và tìm ra những ý tưởng mới để có thể thu hút, tìm kiếm các nhà đầu tư. Nhưng tôi vẫn thấy một trong những yếu tố quan trọng mà các bạn đã bỏ qua là sự khác biệt trong sản phẩm của các bạn. Các bạn có những gì để đem đến cho nhà đầu tư và đảm bảo cho nhà đầu tư điều gì? Đối tượng khách hàng của các bạn ở đây chính là các nhà đầu tư.
– Vậy trong một khuôn khổ cho phép, Tân Hiệp Phát có tổ chức sự kiện để các start-up có dự án xuất sắc tham gia và bà sẽ chia sẻ kinh nghiệm không?
– Nếu các start-up gặp phải vướng mắc trong lúc triển khai dự án thì chúng tôi có thể cung cấp những thông tin hoặc chia sẻ kinh nghiệm mà các bạn dễ liên tưởng để vượt qua khó khăn. Tân Hiệp Phát rất sẵn sàng. Vì viết một cuốn sách để chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình với thế giới mà chúng tôi còn dám làm thì để có thể chia sẻ và gặp gỡ các bạn, tôi nghĩ điều đó cũng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.
– Gần đây, Tân Hiệp Phát dành mối quan tâm rất lớn đến lĩnh vực khởi nghiệp. Vậy lý do là gì, thưa bà?
– Câu chuyện khởi nghiệp luôn được Tân Hiệp Phát quan tâm vì đây là lĩnh vực chúng tôi có thể chia sẻ một cách thực tế nhất với các bạn trẻ. Tân Hiệp Phát là công ty cũng xuất phát từ con số 0 mà qua rất nhiều các câu chuyện kể, chúng tôi nhận thấy những câu chuyện đó giúp các bạn giảm thiểu rất nhiều rủi ro và tăng cường khả năng thành công. Tuy thành công là rất khó song chúng tôi vẫn nghĩ học được từ những người thành công sẽ khiến chúng ta dễ dàng thành công hơn. Do vậy, Tân Hiệp Phát mong muốn có thể đưa ra những bài học kinh nghiệm cho các start-up. Chưa nói đến việc Tập đoàn có đầu tư hay không, vì một khi đã đầu tư là chúng tôi phải nhìn thấy dự án sẽ gắn kết với Tân Hiệp Phát như thế nào. Hiện Tập đoàn cũng chưa định hướng có những quỹ khởi nghiệp.
Bài học tạo ấn tượng với nhà đầu tư
– Bà đã từng chia sẻ, Tân Hiệp Phát luôn sẵn sàng tinh thần khởi nghiệp. Vậy hiện nay, Tập đoàn có đang tiến hành dự án khởi nghiệp nào không, thưa bà?
– Đối với Tân Hiệp Phát, khởi nghiệp là tinh thần mà tự nhân viên của chúng tôi đòi hỏi phải có, bởi vì ngại thay đổi sẽ không thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như Tân Hiệp Phát. Đối với chúng tôi, tất cả những người đảm nhận vị trí dự án mới đều là khởi nghiệp. Tuy nhiên, một trong những yếu tố lợi thế hơn của nhân viên Tân Hiệp Phát là đã có sẵn quy trình, hệ thống và mọi người chỉ cần áp dụng.
– Nếu nhắn nhủ các start-up một lời, bà muốn nói điều gì?
– Tôi sẽ nói một lời khá phổ biến, là các bạn đi bán hàng, các bạn có 3 phút hay 6 phút thì các bạn phải tìm hiểu xem khách hàng cần cái gì. Một trong những bài học là nếu các bạn gặp một CEO 30 giây trong thang máy thì các bạn làm gì để tạo ấn tượng và để CEO có thể nghe giải pháp của mình. Ở đây chúng ta có 3 phút thì chúng ta hãy tìm hiểu xem cần nhà đầu tư nào, nhà đầu tư đó là ai để cung cấp thông tin đó cho họ một cách ngắn gọn, cụ thể, đầy đủ. Từ đó “nuôi” tiếp những cuộc đối thoại với họ để họ đầu tư vào dự án của chúng ta.
– Xin cảm ơn nữ doanh nhân!
“Một trong những bài học là nếu các bạn gặp một CEO 30 giây trong thang máy thì các bạn làm gì để tạo ấn tượng và để CEO có thể nghe giải pháp của mình. Ở đây chúng ta có 3 phút thì chúng ta hãy tìm hiểu xem cần nhà đầu tư nào, nhà đầu tư đó là ai để chúng ta cung cấp thông tin đó cho họ một cách ngắn gọn, cụ thể, đầy đủ”. Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) |
(PV/ANTD.VN )