Bài viết đạt giải của Tác giả Đỗ Thị Kim Thảo – khối Sản xuất, trong Hội thi Báo tường – Tập san 2018
Tôi và nó là hai người hoàn toàn xa lạ, mỗi người một xuất thân và hoàn cảnh khác nhau. Tôi ở tận cùng Tổ quốc – đất mũi Cà Mau, còn nó ở đất Bắc xa xôi – Móng Cái, nhưng cả hai có cùng chí hướng vào đầu quân cho gia đình Tân Hiệp Phát và cũng từ đó chúng tôi quen nhau.
Nhớ lại cách đây hai năm, tôi và nó cùng được Tân Hiệp Phát mời vào phỏng vấn vị trí nhân viên vận hành tại Nhà máy Bao bì. Tôi và nó xem đây là cơ hội vàng và cần chớp ngay thời cơ, khi phỏng vấn chỉ được đậu chứ không được rớt. Với quyết tâm như thế tôi và nó đã vượt qua hơn hai trăm ứng viên khác để được vào vòng trong và từ đó chúng tôi về chung một mái nhà. Tôi làm nhân viên vận hành phân xưởng sản xuất phôi, nắp nhựa, nắp khoén còn nó làm nhân viên vận hành phân xưởng in nhãn.
Lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến Tân Hiệp Phát ngoài đời chứ không phải qua quảng cáo trên tivi hay phim phóng sự nào cả. Đập vào mắt tôi là bảng “Tập đoàn Nước Giải khát Tân Hiệp Phát – Đơn vị đầu tiên đạt giấy chứng nhận tích hợp ISO 9001: 2008, ISO 14001:2004, Quản lý vệ sinh An toàn thực phẩm HACCP”, tôi nhầm xuýt xoa thán phục. Nhớ đến môn học này trong trường học thấy khó hiểu lắm, nhiều đứa còn rớt lên rớt xuống và đếm trên đầu ngón tay có bao nhiêu công ty áp dụng. Vậy mà ở Tân Hiệp Phát lại tiên phong áp dụng tích hợp cả ba chứng nhận. Thật là đáng nể!
Sau đó, tôi được anh quản lý dẫn xuống nhà máy Bao bì, quả là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, nhà máy sạch sẽ, gọn gang, ngăn nắp theo chuẩn 5S. Con người thì thiệt là dễ mến, dù không quen nhưng ai nhìn thấy tôi cũng đều mỉm cười thân thiện, còn nữa nhé, máy móc thiết bị thì đồ sộ, bố trí thẳng tắp theo từng dây chuyền công đoạn để cho dễ thao tác và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhân viên mặc đồng phục và bảo hộ lao động chỉnh tề, ai cũng tuân thủ theo tiêu chuẩn “Ô sáp” (OHSAS – An toàn lao động) trong khi vận hành thao tác trên thiết bị. Các anh chị quản lý thì luôn luôn có mặt tại xưởng để kiểm tra, giám sát và kèm cặp cho người mới. Ôi…chắc tôi phải kể đến chiều mới hết những điều giúp tôi “mở mang tầm mắt” sau một vòng đi xem phân xưởng. Anh quản lý ôn tồn bảo: “Kể từ mai, anh nhớ đi làm đúng giờ và anh sẽ được đào tạo hẳn hoi theo một kế hoạch chi tiết đến khi nào được đánh giá qua thử việc thì mới chính thức trở thành thành viên của đại gia đình Tân Hiệp Phát”. Sau khi nghe anh phổ biến tôi cảm thấy mừng rơn trong người và qua những gì mắt thấy tai nghe đó cũng là động lực để tôi phấn đấu trở thành nhân viên vận hành đạt tiêu chuẩn.
Tối về tôi với nó tám chuyện với nhau, nó cũng mở mang tầm nhìn giống như tôi. Tại phân xưởng in nhãn, công nghệ in ống đồng hiện đại, nhà xưởng sạch sẽ, ngăn nắp khang trang, thoáng mát, con người thì thân thiện, hòa đồng, không phân biệt người cũ người mới, cấp quản lý luôn lắng nghe và đồng hành cùng cấp dưới. Có nơi nào tử tế bằng nơi này đâu, thế là tôi và nó quyết tâm vì một tương lai được là thành viên của gia đình Tân Hiệp Phát. Đêm đó, tôi và nó ngủ rất ngon lành với giấc mơ riêng nhưng có điểm chung “bà con hàng xóm, cha mẹ của chúng tôi sẽ tự hào vì có những đứa con được góp sức một phần nào cùng Tân Hiệp Phát thực hiện sứ mệnh Sản xuất kinh doanh các loại sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng Châu Á với mùi vị thích hợp và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thỏa mãn nhu cầu hiện tại và tiềm ẩn của khách hàng để trở thành đối tác được ưa chuộng hơn trong kinh doanh”.
Tôi được cấp trên giao cho vận hành máy Husky sản xuất nắp nhựa chai PET thiệt là hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Tôi không thể nào tin được là có ngày mình được “làm chủ trong công việc” như thế này. Vì cấp trên và công ty đã tin tưởng vào tôi như thế nên tôi luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi chăm sóc máy móc rất tỉ mỉ, chăm chút, lắng nghe máy hoạt động tốt không, có tiếng kêu gì lạ, bất thường hay không? Tôi duy trì vệ sinh cho nó sạch sẽ, sáng bóng mỗi ngày, kiểm soát từng thông số trong quá trình vận hành máy, ghi chép nhật ký vận hành. Tự tay mình sản xuất và thấy được những sản phẩm nắp đạt chất lượng, năng suất, kiểm soát hao hụt, thỏa mãn khách hàng. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào về nghề của một nhân viên vận hành máy tại nhà máy Bao bì.
Tôi và nó còn được cấp trên huấn luyện TPM (chương trình Bảo trì phòng ngừa toàn diện) mà nhân viên vận hành phải đạt được với các kỹ năng tăng dần từ siêu 5S (làm sạch siêu bóng, siêu sạch từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới), sau đó đạt kỹ năng AM4.1 (siết chặt), AM4.2 (truyền động), AM4.3 (khí nén, thủy lực), AM4.4 (điện), AM4.5 (vừa làm vừa tự kiểm tra), AM6 (tiêu chuẩn hóa tài liệu, hồ sơ) và đạt được cấp cuối cùng là AM7 (quản lý thiết bị tự quản) để nhân viên vận hành có thể tự làm chủ trên máy móc thiết bị của mình.
Nó hỏi tôi: “Bí quyết nào mà mày luôn được bầu chọn là cá nhân xuất sắc vậy?”
Tôi mỉm cười: “Thì mình đạt theo tiêu chuẩn của công ty đưa ra”
Nó: “Vậy làm sao mình đạt tiêu chuẩn công ty đưa ra?”
Tôi: “Luôn làm chủ trong công việc”
Nó: “Nhưng có lúc bị ảnh hưởng do người khác tác động đến mình thì sao?”
Tôi: “Luông nhận thức rõ thành công hay thất bại của mình là do chính nỗ lực của bản thân và không do tác động bên ngoài, không đổ lỗi”
Nó: “Nhưng có khi có những rủi ro mà mình không ngờ tới”
Tôi: “Mình phải chủ động ra quyết định, quản lý rủi ro và giải quyết công việc trong phạm vi trách nhiệm của mình. Đóng góp để phát huy đội ngũ theo năng lực có thể, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu chung”
Nó: “Có đôi lúc nhiệm vụ đó không phải của mình thì mình có xía vô không?”
Tôi: “Luôn luôn phải nhận thấy vai trò trách nhiệm của mình trong kết quả của đội. Coi trọng và bảo vệ lợi ích của tổ chức lên trên hết”.
Và cứ thế, những cuộc trao đổi, chia sẻ cởi mở, học tập lẫn nhau giữa tôi và nó tiếp diễn. Hàng tháng nó cũng được cấp trên ghi nhận, bầu chọn cá nhân xuất sắc bởi vì chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn có những đóng góp cải tiến trong quá trình làm việc, luôn có những bài học cần chia sẻ để ai cũng tốt như mình và không bị mắc những lỗi cũ. Chúng tôi luôn được cấp trên phản hồi bằng phiếu Thank you note vì tinh thần làm chủ trong công việc, đồng nghiệp cũng hài lòng, vui vẻ bỏ phiếu bầu chọn.
Chiều nay, tôi và nó tự thưởng cho mình một bữa tiệc nhỏ ở dọc mé sông Bình Dương. Gió lồng lộng phả vào mặt từng cơn sảng khoái, trên sông những chùm lục bình trôi lênh đênh trên dòng sông vô định, hôm nay đám lục bình có thể ở đây nhưng ngày mai theo dòng nước, nó có thể trôi đi nơi khác không theo ý muốn. Tôi thầm nghĩ và mỉm cười buộc miệng: “Đừng bao giờ để cuộc đời mình như đám lục bình trôi sông thế này”
Nó thắc mắc: “Sao hôm nay lại triết lý cuộc sống”
Tôi khì cười: “Nếu như tao với mày không làm chủ cuộc đời mình, không làm chủ trong công việc thì cũng sẽ như đám lục bình trôi, hên xui tùy con nước”.
Như thấm thía nó cũng khì cười theo và gãi đầu mắc cỡ vì có lẽ thời gian qua nó đã có suy nghĩ mặc kệ hên xui như thế.
Nó chia sẻ: “Trong công việc tao chưa bao giờ cảm thấy mình phải làm vì miếng cơm manh áo. Thật kỳ lạ lúc nào tao cũng muốn vào công ty thiệt sớm để làm việc, để kiểm tra các công việc của mình, làm sao cho nó thật hiệu quả như là nhà của tao vậy”.
Tôi nhìn hồi lâu và cảm thấy đồng cảm với đứa bạn mình. Với tôi Tân Hiệp Phát như là nhà của mình, ở nơi đó tôi luôn làm chủ, tôi đang hùn năng lượng với công ty chứ không phải đi làm thuê. Nơi đây tạo cảm giác cho tôi được tự do Làm chủ trong công việc của mình. Tôi sẽ gắn bó với nơi đây – nhà máy Bao bì- nơi tôi làm chủ trong công việc, nơi tôi được tự hào, kiêu hãnh về nghề nhân viên vận hành sản xuất.
Đỗ Thị Kim Thảo – khối Sản xuất