Phát triển kinh tế tuần hoàn: Tân Hiệp Phát giảm sử dụng 70.000 tấn nhựa trong 10 năm

Báo Tài nguyên & Môi trường

Trong 10 năm (2013 – 2022), Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã giảm sử dụng trên 70.000 tấn nhựa. Hiện nay, Tập đoàn đang tiếp tục nghiên cứu và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm tác động đến môi trường, giảm hiệu ứng khí nhà kính thông qua việc cắt giảm nhựa sử dụng một lần và tái chế xanh.

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát trình bày tham luận tại Diễn đàn.

12 năm liên tục giữ vững Thương  hiệu quốc gia

Đó là khẳng định của bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VI năm 2022, do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận tổ chức vừa qua.

Với chủ đề “Phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26”, Diễn đàn đã diễn ra sôi nổi và thành công rất tốt đẹp, thu hút nhiều ý kiến, tham luận của các chính khách, các chuyên gia và đại diện các đơn vị, doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành sản xuất nước uống có lợi cho sức khỏe và đứng thứ 2 trong toàn ngành nước giải khát không cồn. Đây là doanh nghiệp Việt duy nhất trong 5 doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam, với 12 năm liên tục giữ vững thương hiệu quốc gia. Công ty đầu tiên trong ngành đạt chứng nhận ISO 9001, ISO 14001, HACC, ISO 22000, ISO 17025; Năm 2019 đạt giải vàng chất lượng Việt Nam.

“Công ty tiên phong trong ngành nước uống sử dụng công nghệ chiết Aseptic PET vô trùngphát triển bền vững, sáng tạo và tìm giải pháp từ trong điểm mạnh của đội ngũ kĩ thuật và năng lực sản xuất cho kinh tế tuần hoàn..

Điểm nổi bật trong 10 năm (2013 – 2022) doanh nghiệp đã giảm thiểu hơn 70.000 tấn nhựa; tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần giảm tác động đến môi trường, giảm hiệu ứng khí nhà kính thông qua việc cắt giảm nhựa sử dụng một lần và tái chế xanh”, bà Trần Uyên Phương cho hay.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, nguyện vọng của doanh nghiệp là đóng góp cho sự phồn vinh của xã hội và là niềm tự hào của người Việt, bằng cách xây dựng Tập đoàn có thương hiệu quốc gia lớn mạnh tầm cỡ quốc tế. Sứ mệnh của Tân Hiệp Phát là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng châu Á với mùi vị thích hợp và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; Đồng thời thỏa mãn nhu cầu hiện có và tiềm ẩn của khách hàng để trở thành đối tác được ưa chuộng hơn trong kinh doanh. Tầm nhìn trở thành Tập đoàn hàng đầu châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm.

Hành động thiết thực hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0

Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VI đã diễn ra với nhiều nội dung, với tham luận như: “Thích ứng biến đổi khí hậu, những thông điệp cần mạnh mẽ hơn trong công tác tuyên truyền, truyền thông”; chuyên đề “Phát huy vài trò của nhà báo trong tuyên truyền về phát triển xanh và ứng phó biến đổi khí hậu”; Chuyên đề “Chiến lược và hành động của Việt Nam để thực hiện kết quả của COP26”…

Qua đó tạo sức lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng, đóng góp tích cực vào công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, dù trong thời gian ngắn sau COP26, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động thực hiện cam kết, nhận được sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế rất quan trọng.

Ông Tăng Thế Cường cho biết: “Trong thời gian qua, các Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước bước đầu đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch. Các doanh nghiệp, Tập đoàn tư nhân trong nước cũng hành động ngay cùng Chính phủ. Một số Tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” trong các hoạt động của doanh nghiệp”.

Dây chuyền sản xuất “xanh” của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Hành động của Tân Hiệp Phát chính là sự cụ thể hoá đầy trách nhiệm cho việc chung tay cùng Chính phủ tiến tới thực hiện mục tiêu tại COP26, mở rộng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong việc thực hiện mục tiêu phát triển xanh và hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050. Trong đó có sự vào cuộc, góp sức của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận báo cáo tham luận, ý kiến đóng góp, gợi mở, chia sẻ, cũng như đề xuất kiến nghị của các cơ quan, đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí.

“Tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý, chúng tôi sẽ xem xét tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ mục đích sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, với mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.

Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tan-hiep-phat-giam-su-dung-70-000-tan-nhua-trong-10-nam-342526.html