Quyết Thắng / Báo Tài nguyên Môi trường
Cuốn sách “Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong” dày 540 trang khổ lớn, xuất bản song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh, đăng tải nhiều bài viết, công trình nghiên cứu của các tác giả là các nhà quản lý, các chuyên gia có uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong cuốn sách này, đại diện Tân Hiệp Phát đã đóng góp 02 bài viết với 3 nội dung trọng tâm: những bài học từ các nền kinh tế khác cũng như tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các công ty đa quốc gia đã chuyển đổi thành công sang các mô hình kinh tế tuần hoàn; mô tả mô hình tái chế 3R mang đặc thù kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tân Hiệp Phát với một số kết quả bước đầu, trong đó có việc giảm lãng phí nguyên liệu đầu vào bằng cách giảm đáng kể việc sử dụng nhựa trong chu trình sản xuất; đề xuất một số giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu nhằm vươn tới nền kinh tế tuần hoàn bền vững.
Phát biểu tại Lễ ra mắt sách, ông David Riddle, cho rằng, để thực sự tạo ra sự thay đổi, cộng đồng doanh nghiệp cùng các chuyên gia kinh tế hàng đầu phải cùng nhau giải quyết thách thức vươn tới nền kinh tế tuần hoàn, cần biến rác thải nhựa thành sản phẩm và tạo ra các ngành công nghiệp mới nơi những thành viên tham gia có thể đạt được lợi ích từ những sản phẩm mới này.
Theo ông David Riddle, vươn tới được nền kinh tế tuần hoàn bền vững không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ngay cả các nền kinh tế có mức độ phát triển cao như Singapore cũng đã phải xem xét lại cách thức quốc gia có thể bảo vệ thành công môi trường và tài nguyên của mình và đạt được tính tuần hoàn.
Với Tân Hiệp Phát, thành công bước đầu trong việc hướng tới kinh tế tuần hoàn là giảm giảm đáng kể lượng nhựa được sử dụng trong chai nước uống. Trong nhiều năm, Tập đoàn đã đầu tư vào công nghệ vô trùng Aseptic của CHLB Đức nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cao nhất và lợi ích dinh dưỡng, sức khoẻ cho người tiêu dùng. Công nghệ này cũng giúp Tân Hiệp Phát giảm thiểu lượng nhựa sử dụng trong quá trình sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai nhựa.
Từ 10 năm trước, Tân Hiệp Phát đã triển khai dự án làm nhẹ chai trong đó trọng lượng của mỗi chai giảm xuống gần 20%. Đồng thời nhờ đầu tư vào công nghệ Aseptic, Công ty cũng có thể giảm hao hụt trong quá trình sản xuất và giảm cả điện, nước sử dụng.
5 năm sau, Tập đoàn đã có thể giảm trọng lượng chai, hơn nữa cùng với đó là lượng rác thải nhựa giảm 34.000 tấn. Trong bốn năm tiếp theo tính đến năm 2023 mức giảm là 44.000 tấn, như vậy tổng cộng 78.000 tấn rác thải nhựa đã được loại bỏ trong khoảng thời gian chín năm nay.
Các biện pháp quan trọng khác tại Tân Hiệp Phát cho đến nay bao gồm tái chế và tái sử dụng màng co và túi nhựa làm túi đa năng để đựng phôi và nắp… Đồng thời Tập đoàn cũng loại bỏ việc sử dụng hộp các tông và thay thế chúng bằng màng co làm từ nhựa tái chế. Đặc biệt từ năm 2021, Tân Hiệp Phát đã lắp đặt và đưa vào vận hành các dây chuyền tái chế nhựa. Trọng tâm của khả năng tái chế này là sản xuất pallet và viên nén từ nhựa thải để sử dụng trong chính các nhà máy của Tân Hiệp Phát và trong tương lai sẽ cung ứng cho những đơn vị muốn thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất của họ bằng nguyên liệu tái chế.
Trong cuốn sách này, ông David Riddle nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp kinh tế tuần hoàn rất quan trọng đối với môi trường mà vẫn thu được lợi ích kinh doanh đáng kể. Không một công ty nào có thể tự đạt được nền kinh tế tuần hoàn mà tất cả cần chung tay và Tân Hiệp Phát cam kết sẵn sàng hợp tác cùng với các doanh nghiệp khác, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.
Đại diện Tân Hiệp Phát cũng đưa ra một số gợi ý về sự hợp tác giữa các bên trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Một trong những giải pháp quan trọng nhất cần có sự hợp tác là việc truyền thông cho người dân về lý do tại sao việc phát triển và thực hiện các biện pháp kinh tế tuần hoàn lại quan trọng đến vậy. Quá trình này có thể mất thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ. Thách thức nằm ở việc có cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện các giải pháp trên quy mô lớn. Và một lần nữa, đây là lý do tại sao sự hợp tác trên một quy mô lớn là cần thiết.
Đại diện Tân Hiệp Phát cũng cho rằng cần có hành lang pháp lý đủ mạnh, quy định trách nhiệm cụ thể được xác định cho nhà sản xuất và nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí quản lý chất thải cho các sản phẩm thải bỏ.
Ông David Riddle chia sẻ: “Chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ để bảo tồn đời sống đại dương, bảo tồn những bãi biển và những viên ngọc du lịch tiềm ẩn. Chúng ta phải cùng nhau để hạn chế hết mức có thể việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tân Hiệp Phát luôn sẵn sàng hợp tác để giải quyết những thách thức phía trước và làm mọi điều khả thi để vươn tới nền kinh tế tuần hoàn bền vững”./.