Ngạn ngữ có câu “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”, điều đó dường như “vận” vào việc khởi nghiệp và lưu truyền cơ nghiệp của các doanh nhân. Và những thăng trầm của Tân Hiệp Phát cũng không ngoài vòng quay đó.
Mới đây, trong bài phân tích của mình, Asia Times khẳng định: Tập đoàn Tân Hiệp Phát được thành lập từ năm 1994 và cho đến nay vẫn là một DN gia đình. Tuy vậy, chính tạp chí này cũng nhận định: bà Uyên Phương được xem là người kế thừa tập đoàn nước giải khát lớn nhất Việt Nam này và kế thừa luôn cả mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2027. Quả thật, nhiều doanh nhân vẫn nghĩ khởi nghiệp là khó, mà không nhận ra rằng giữ vững cơ nghiệp và lưu truyền đến thế hệ nối tiếp cũng vô vàn khó khăn. Hơn ai hết, những DN gia đình lại càng thấm nhuần điều đó, bởi DN không chỉ là nơi kiếm tiền, nó còn là tình yêu, là đứa con tinh thần mà doanh nhân dứt ruột khai sinh.
Từ xin lỗi của “một người cha”
Khởi nghiệp từ một phân xưởng sản xuất nhỏ chỉ với vài chục nhân viên, Tân Hiệp Phát đã ra đời và đặt những bước chân đầu tiên vào ngành bia với vô số khó khăn thử thách. Bằng niềm tin, ý chí và sự nỗ lực không mệt mỏi, Tân Hiệp Phát đã ghi dấu sự phát triển vượt bậc của một thương hiệu Việt. Nhưng sự cố năm 2014 đã khiến DN này lao đao khi mọi công sức xây dựng thương hiệu Việt của họ dường như bị người tiêu dùng chối bỏ.
Còn nhớ, trước Tết nguyên đán năm nay, đoạn clip ghi lại lời xin lỗi của ông Trần Quí Thanh với người tiêu dùng được lan truyền khá rộng rãi trên các mạng xã hội.
Đoạn clip có tựa đề “Tết này bạn muốn nói lời xin lỗi chân thành tới ai”, ở phần gần cuối clip, ông Trần Quí Thanh – người đứng đầu Tân Hiệp Phát, bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc của mình tới người tiêu dùng.
Lời xin lỗi chính thức và chân thành của ông Thanh được chia sẻ với mong muốn người tiêu dùng cả nước hiểu rằng đó là thái độ trân trọng đặc biệt của Tân Hiệp Phát đối với mối quan hệ giữa DN – người tiêu dùng. Đây cũng là tôn chỉ mà DN này vẫn hướng tới. Có lẽ vì thế, thái độ của người đứng đầu DN đã thể hiện sự trân trọng của ông đối với người tiêu dùng, không chỉ trong tư cách DN – khách hàng, mà còn là sự chia sẻ của một người cha trước những sai sót dù muốn dù không của đứa con – DN – với những người sống xung quanh mình.
Đến lời cảm ơn đặc biệt của người con
Trong vài năm qua, có khá nhiều chủ DN tiến hành các bước “chuyển giao quyền lực” cho những người con của mình. Không ngoài dòng chảy ấy, ông chủ Tân Hiệp Phát từng trả lời trên CNBC, “Tôi phải chọn đúng người sẽ trở thành CEO của công ty và trao lại trọng trách này cho người có năng lực. Tôi hy vọng rằng các con tôi sẽ làm việc cật lực để đạt được điều đó, thay vì mặc nhiên cho rằng chúng sẽ được trao cho một vị trí. Bởi vì kế thừa một DN không phải là một đặc lợi, mà là một trọng trách”. Và ông đã và đang chọn cho Tân Hiệp Phát một người chèo chống đủ thông minh nhưng cũng rất tình người. Việc cô gái trẻ Trần Uyên Phương khởi nghiệp từ “bệ phóng” như Tân Hiệp Phát trở nên quá khó khăn và thật sự là thử thách không nhỏ với cô gái trẻ này.
Trả lời Asia Times, ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng: “Chúng tôi đặt chỉ tiêu doanh thu tăng lên 30% trong năm nay. Tôn chỉ kinh doanh của chúng tôi là “người bạn quan trọng nhất chính là người tiêu dùng”. |
Cùng gia đình vươt qua nhiều thử thách, sóng gió trên thương trường, với trải nghiệm thực tế, “Cô gái tỷ đô” đã ra đời cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” mà như cô nói, là cách để cảm ơn ba mẹ, cảm ơn cuộc đời. Vào thời điểm đó, có người cho rằng đây là cuốn sách biện minh cho những ồn ào, sóng gió một thời khi những từ khoá “Tân Hiệp Phát”, “Dr Thanh”, kỳ án “con ruồi” tạo nên những “cơn sóng” thông tin bão tố quá nóng bỏng với dư luận. Nhưng không, không một lời biện hộ nào cả. Trên tất cả, đó là những dòng cảm xúc, những suy nghĩ, ghi chép được gom góp bằng mọi sự kính nể, trân trọng và yêu thương của Trần Uyên Phương khi viết về gia đình mình.
Chính Uyên Phương đã chia sẻ: “Cảm ơn ba cho con hiểu thế nào là đúng nghĩa cuộc chơi lớn, thế nào là sống cuộc sống vì một điều gì đó chứ không phải vì có thật nhiều tiền và giữ tiền để ăn dần”. Vị nữ doanh nhân này chia sẻ để thực sự cảm ơn gia đình, chị phải tiếp thêm sức sống cho Tân Hiệp Phát, thực sự mạnh mẽ để cạnh tranh với các công ty lớn, chủ yếu đến từ nước ngoài.
“Sắp tới, tôi sẽ xuất bản một cuốn sách song ngữ Việt – Anh mang tên “Cuộc cạnh tranh với người khổng lồ trong thị trường nội địa” (Tên Tiếng Anh: Competing With Giants in a Local Market). Cuốn sách dựa trên kinh nghiệm của cha tôi và câu chuyện của Tân Hiệp Phát. Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm đó để cho người khác thấy họ có thể đạt được những gì” – chị Phương chia sẻ.
Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng
Không chỉ là một DN gia đình, Tân Hiệp Phát còn là một thương hiệu lớn của Việt Nam. Chính vì vậy, các thế hệ doanh nhân của nhà “Dr Thanh” đã thực sự mang cả trái tim và trí óc để gìn giữ và phát triển thương hiệu đó. Nói như ông Trần Quí Thanh: chiến lược phát triển của Tân Hiệp Phát là hiện đại hóa tối đa công nghệ để sản xuất ra sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Và hiện nay, tổ hợp nhà máy của Tân Hiệp Phát được đầu tư công nghệ hiện đại tiêu chuẩn quốc tế , sản xuất những sản phẩm an toàn vệ sinh tuyệt đối, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Điều này đươc các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước chứng nhận. Tất cả dây chuyền chế biến của công ty đều sử dụng công nghệ Aseptic vô trùng, tự động hoàn toàn từ khâu thổi chai nhựa cho đến khi ra thành phẩm, đóng gói. Do đó sản phẩm của họ không cần dùng đến chất bảo quản.
Không phải ai cũng biết rằng, THP là DN sớm đưa hệ thống quản lý cao cấp vào áp dụng tại đơn vị như E.R.P (Enter Resource Plantning) và đào tạo nên một đội ngũ chuyên gia ERP chuyên sâu đã có cách nay hơn 10 năm. Đó cũng là DN xung phong và giảm tốn nhiều chi phí cho hệ thống quản lý trong sự phát triển như vũ bão của mình.
Nhưng công nghệ và hệ thống quản lý không làm nên tất cả, ít có DN nào dám bỏ ra chi phí không nhỏ để tầm sư giỏi trên thế giới về đào tạo cho sự phát triển nội bộ THP. Các cán bộ, những “con em trong đại gia đình” được đào tạo bài bản về Hệ thống quản lý, Hệ thống báo cáo, Hệ thống Kiểm soát nội bộ cũng chỉ có ở THP. Được học các chương trình như Cresscom, MRP.2,… đặc biệt là Supper MAN một chương trình mà sau khi đào tạo đã tạo nên nhiều sự đột phá thành công trong mỗi con người và trong DN Tân Hiệp Phát với khẩu hiệu “Không gì là không thể”.
Và đặc biệt, “chúng tôi đang mở rộng hệ thống phân phối. Hiện Tân Hiệp Phát có khoảng 300.000 điểm bán lẻ. Mục tiêu của chúng tôi là khiến cho các sản phẩm của mình trở nên phổ biến, người tiêu dùng có thể mua ở bất cứ đâu trên khắp cả nước chỉ trong bán kính 50m”, nữ doanh nhân trẻ Uyên Phương khẳng định.
Suy cho cùng, chìa khoá thành công của một công ty gia đình chính là sự trung thành tuyệt đối với những giá trị được truyền từ đời này qua đời khác và sự nhận thức nhạy bén về ý nghĩa của việc làm chủ. Chính vì thế, khi chính thức nhận trọng trách gìn giữ và phát triển Tân Hiệp Phát, chị Trần Uyên Phương đã khẳng định “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và thực hiện mục tiêu để đưa DN Việt ra thế giới. Tiền không phải là mục tiêu của gia đình tôi” và tôi hiểu, đó cũng là sự tiếp nối bền chặt của ông Trần Quí Thanh: “Trách nhiệm của chúng tôi không phải duy trì một tài sản mà duy trì một thương hiệu Việt”.