Bất cứ khi nào cần thiết, đội sẽ họp bàn cách ứng phó với dịch. Chủ đề mỗi buổi đầu ngày luôn là triển khai những hoạt động gì để đảm bảo sức khỏe cho hàng nghìn nhân viên, và sau đó là gia đình của họ.
Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương đã có những chia sẻ về việc doanh nghiệp đã chủ động đề ra những phương án để ứng phó trước diễn biến dịch phức tạp kể từ đầu năm 2020.
Trần Uyên Phương kể lại rằng mỗi ngày trong 3 tuần giãn cách xã hội, đều đau đáu với câu hỏi làm thế nào để không một ai trong số hàng nghìn nhân viên nhiễm nCoV. Bà hiểu rằng chỉ cần một trường hợp, hệ thống sẽ tê liệt.
“Quan trọng nhất với tôi lúc đó là sức khỏe nhân viên, gia đình của họ và đảm bảo sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng, không chỉ là bán hàng.
Khi có một người nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng nặng nề không chỉ cho nội bộ tổ chức mà còn gây hoang mang cho người tiêu dùng”, bà Uyên Phương cho biết.
Trấn an tâm lý là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo công ty này, trong bối cảnh đội ngũ hoang mang và xáo trộn vì không có nhiều thông tin rõ ràng về dịch bệnh. Thậm chí có những người xin nghỉ phép dài hạn. Số khác rơi vào tâm lý hoảng loạn vì “nhìn đâu cũng thấy dịch”. Chỉ cần có biểu hiện sốt, ho nhẹ cũng trở thành đối tượng bị xa lánh.
Thay vì điều chỉnh kế hoạch kinh doanh như nhiều công ty khác, việc đầu tiên Tân Hiệp Phát làm là lập đội phản ứng nhanh gồm các trưởng bộ phận và ban lãnh đạo.
Bất cứ khi nào cần thiết, đội sẽ họp bàn cách ứng phó với dịch. Chủ đề mỗi buổi đầu ngày luôn là triển khai những hoạt động gì để đảm bảo sức khỏe cho hàng nghìn nhân viên, và sau đó là gia đình của họ.
Một trong những phát hiện thú vị của bà Phương là càng ở trong khủng hoảng, càng phải tăng cường kiểm soát truyền thông nội bộ.
Không để tin đồn lan truyền từ người này sang người khác, bộ phận này sang bộ phận khác. Mọi thông tin đều được đội phản ứng nhanh kiểm chứng và chỉnh đốn nếu sai.
“Đáng sợ nhất của một tổ chức là nội bộ nghi ngại, đồn đoán về tình trạng của người khác. Minh bạch và nhanh chóng cập nhật thông tin là cách chúng tôi duy trì sự tin cậy. Sau khoảng hai tuần, rất bất ngờ là nhân viên đã quen với tình trạng ‘bình thường mới’. Mọi người thoải mái và tương tác nội bộ còn hiệu quả hơn trước”, bà Trần Uyên Phương nói.
Sau khi đảm bảo tâm lý, công ty này mời bác sĩ đến trực tiếp giải đáp thắc mắc.
Tăng cường thông tin về cách phòng dịch bằng nhiều hình thức, kiểm tra thân nhiệt, trang bị khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn ở mọi góc trong nhà máy để bất cứ khi nào nhân viên cũng dễ dàng sử dụng.
Giờ ăn được sắp xếp lệch ca để không quá có đông nhân viên tụ tập tại căn-tin. Ngoài ra, các phòng ban trong công ty và đối tác đều họp online.
Ý thức vai trò quan trọng của đội ngũ, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm mọi cách để giảm thiểu tác động lên thu nhập của người lao động.
Với Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp này ưu tiên cắt chi phí marketing ở những kênh tiếp thị hiệu quả thấp như chiến dịch, sự kiện.
Bên cạnh đó, gia tăng tự động hóa, tăng trích lập dự phòng rủi ro, nhằm đảm bảo không “động” tới quỹ lương của nhân viên.
“Hàng nghìn nhân viên gắn bó như gia đình. Chúng tôi đặt ra nguyên tắc, tối ưu chi phí nhưng phải đảm bảo công ăn việc làm của toàn đội ngũ.
Máy móc có thể gia tăng sản lượng. Nhưng con người mới là động lực giúp chúng tôi trở lại đà tăng trưởng sau dịch bệnh”, bà Uyên Phương khẳng định.