(TBKTSG Online) – Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 25 năm thành lập công ty. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, một trong những điều tâm đắc của ban lãnh đạo đó là việc xây dựng văn hóa “cấp quản lý phải làm tốt nhiệm vụ đào tạo, dẫn lối cho cấp dưới của mình” và “xây dựng tinh thần đoàn kết, yêu thương như trong một gia đình”. Trong đó, vai trò của hai nhà sáng lập doanh nghiệp là ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ, luôn hiện hữu qua những nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị gia đình vào những mục tiêu xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch HĐQT Tân Hiệp Phát, về cách thức quản trị một công ty gia đình cùng những kỳ vọng ông đặt ra cho thế hệ kế thừa. Ông ví von Tân Hiệp Phát như một mái nhà chung, nơi đó, tất cả các thế hệ đều sẵn sàng thay đổi tư duy, từng thành viên trong gia đình đều cởi mở khi cùng tham gia điều hành tổ chức và có chung ý tưởng và quyết định bởi mục tiêu của doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu.
Câu chuyện chia sẻ về những giá trị gia đình đã giúp gắn kết và tạo dựng nên Tập đoàn Tân Hiệp Phát với hơn 5.000 nhân sự ngày hôm nay đã diễn ra trong thời điểm đặc biệt đối với ông Thanh, đó là dịp kỷ niệm 40 năm ngày cưới của ông và người đồng sáng lập – bà Phạm Thị Nụ (9-7-1979 đến 9-7-2019), cũng là nhân tố giúp ông kiên định với niềm tin và phương thức quản trị của mình: “Gia đình bền vững cho công ty vững mạnh”.
TBKTSG Online: Ông bà vừa tổ chức buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày cưới thật ấm áp và ý nghĩa, được biết, tháng 10 tới đây cũng là thời điểm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Vậy, ông bà có thể chia sẻ về mối liên quan giữa hai sự kiện này, cùng những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp với tinh thần cốt lõi là giá trị gia đình nơi Tân Hiệp Phát?
Bà Phạm Thị Nụ: Suốt 40 năm hôn nhân, chúng tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm từ cuộc sống cho đến sự nghiệp. Trong chặng đường 40 năm vừa qua, không thể nào không nhắc đến 25 năm cùng nhau nỗ lực phấn đấu và xây dựng nên Tân Hiệp Phát. Chúng tôi rất tự hào vì giá trị gia đình vẫn là yếu tố quan trọng, tiếp sức cho sự phát triển của tập đoàn, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn và đầy thách thức. Chúng tôi đã cùng nhau thực hiện hoài bão và điều may mắn là chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống và trong kinh doanh để có được những khoảnh khắc của ngày hôm nay.
Ông Trần Quí Thanh: Đối với tôi, bước khởi đầu có ý nghĩa rất quan trọng, vì có khởi đầu mới có các bước phía sau. Nếu không có 40 năm hôn nhân cùng “nhà tôi”, thì chưa chắc đã có 25 năm Tân Hiệp Phát. Những ngày đầu thành lập doanh nghiệp là thời điểm nền kinh tế Việt Nam mới mở cửa, việc xây dựng nhà máy đã khó, việc trụ vững lại càng khó hơn. Chúng tôi phải mua máy móc thiết bị cũ từ nhà máy bia Sài Gòn. Đứng trên dàn máy móc mà người khác gọi là ve chai, nhưng với chúng tôi lại là vốn quý, chúng tôi đã chế tạo ra máy móc cho riêng mình.
Từ bước khởi đầu đó cho đến bây giờ, Tân Hiệp Phát vẫn đầu tư cho công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn phục vụ người tiêu dùng. Chúng tôi luôn hiểu rằng giá trị cạnh tranh cốt lõi của tập đoàn nằm ở giá trị của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Và đó cũng là động lực của Tân Hiệp Phát trong nhiều năm qua.
– Sau bước khởi đầu thành công đó, con đường tương lai của Tân Hiệp Phát thế nào?
Ông Trần Quí Thanh: Thứ nhất, mục tiêu của Tân Hiệp Phát là mở rộng vành đai sản xuất để cung ứng sản phẩm, phục vụ người tiêu dùng trên khắp cả nước một cách nhanh chóng và hữu hiệu. Qua đó, chúng tôi đưa sản phẩm ra thị trường với mức giá hợp lý bằng cách tận dụng các điều kiện thuận lợi về giao thương để phục vụ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Thứ hai, chúng tôi đang nỗ lực đầu tư xây dựng nhà máy Number One Hậu Giang hoàn toàn mới với hệ thống công nghệ khép kín vô trùng aseptic được đánh giá là hiện đại trên thế giới. Tân Hiệp Phát cam kết tạo ra các sản phẩm giải khát có nguồn gốc tự nhiên, có lợi cho sức khỏe theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Với nhà máy đặt tại Hậu Giang, chúng tôi có lợi thế về nguồn nguyên liệu tự nhiên, phong phú tại miền Tây Nam Bộ. Đây cũng là nền tảng để chúng tôi nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm giải khát mới để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế, trên hành trình đưa sản phẩm Việt, thương hiệu Việt ra thế giới.
– Ông có thể nói thêm về kế hoạch “tấn công” thị trường thế giới?
Ông Trần Quí Thanh: Tân Hiệp Phát sẽ không chỉ dừng lại tại thị trường trong nước mà sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường thế giới. Chúng tôi đang lên kế hoạch có nhà máy ở một hoặc hai quốc gia khác trên thế giới. Mục tiêu dài hạn là trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm. Thương hiệu Tân Hiệp Phát sẽ được mở rộng và ghi nhận ở những quốc gia khác nữa. Ban lãnh đạo chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng, lúc đó Tân Hiệp Phát ở Việt Nam sẽ là “headquater” (tổng công ty), còn ở quốc gia khác sẽ gọi là “local” (công ty con tại địa phương). Ví dụ, doanh nghiệp địa phương tại Mỹ, Anh hay Úc, còn công ty mẹ ở Việt Nam.
– Một trong những điều mà tập thể Tân Hiệp Phát tự hào là phát triển những giá trị, truyền thống tốt đẹp của gia đình trong doanh nghiệp. Vậy, ông có thể kể về những giá trị đã góp phần vào sự phát triển của Tân Hiệp Phát?
Ông Trần Quí Thanh: Trong công việc, tôi và vợ tôi giống như những người đồng chí. Tôi hoạch định khâu tổ chức, còn vợ tôi phụ trách mua hàng. Tôi luôn tự hào rằng “nhà tôi” là người luôn làm hết sức mình cho gia đình, cho công ty, cho những người mà bà yêu thương, nên tôi luôn giáo dục con cái khi cưới vợ, gả chồng không phải tìm người yêu, mà là tìm “bạn đời”. Người bạn đời ấy có thể “chia ngọt sẻ bùi”, hay nói một cách khác là tìm người “đồng chí” cùng chung chí hướng để cùng bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Bà Phạm Thị Nụ: Tôi luôn tâm niệm rằng thái độ tích cực của tôi sẽ mang lại cho những người xung quanh một nguồn năng lượng. Tôi cũng sống giống mọi người có 24 giờ một ngày, nhưng tôi muốn làm được những điều có thể đem “khoe” người khác. Tôi tự hào không phải vì chính bản thân mình, mà tự hào về thành quả của những người xung quanh, về chồng, về con cái và về các đồng nghiệp trong công ty. Do đó, tôi luôn cố gắng làm nên chất “keo” trong gia đình, vì một gia đình bền vững thì mới giúp công ty thêm vững mạnh để đóng góp và trả ơn cho xã hội.
– Bà có nhắc về đồng nghiệp trong công ty? Vậy họ có vị trí như thế nào trong quá trình phát triển của Tân Hiệp Phát?
Ông Trần Quí Thanh: Tân Hiệp Phát có những thành viên cùng sát cánh suốt từ những ngày đầu thành lập. Họ luôn hiểu rằng chúng tôi luôn biết ơn những đóng góp của họ đối với tập đoàn. Chúng tôi đặt tiêu chí thái độ và giá trị cốt lõi lên hàng đầu, nên cần người có thái độ làm việc tốt và có giá trị cốt lõi tương đồng với tập đoàn. Người giỏi mà không có cùng giá trị cốt lõi với tập đoàn sẽ không gắn bó lâu. Nếu nhân sự mới thiếu kiến thức chuyên môn nhưng có tinh thần làm việc đúng đắn, chúng tôi có thể đào tạo chuyên môn cho họ. Chúng tôi ưu tiên phát triển nhân sự nội bộ lên các vị trí quản lý. Đó là cách để chúng tôi khuyến khích tinh thần phấn đấu, cống hiến của nhân viên, tăng mức độ gắn bó của họ với Tân Hiệp Phát.
– Vậy những người con trong gia đình có cùng chí hướng với ông bà để đóng góp sức mình vào Tân Hiệp Phát không?
Ông Trần Quí Thanh: Chúng tôi có 2 cô con gái và 1 cậu con trai vẫn luôn tôn trọng định hướng phát triển của chúng. Mỗi người con của tôi sinh ra đều có một cá tính. Uyên Phương được mọi người biết tới nhiều, bởi vì Uyên Phương tham gia vào công tác truyền thông, tiếp thị (marketing). Còn Ngọc Bích thì đảm đương trong lĩnh vực tài chính, kế toán, nhân sự. Một người học cách tạo ra tiền và một người học cách giữ tiền, cả hai phối hợp lại để kế tiếp hoài bão, để đưa tầm nhìn trở thành hiện thực, đó là Tân Hiệp Phát sớm trở thành một trong những công ty hàng đầu châu Á về nước giải khát.
Đồng thời, hai chị em cũng được đào tạo để hiểu thế nào là “thừa kế” và “kế thừa”. Nếu cho rằng “thừa kế” tức là chỉ cần tiếp nhận di sản của gia đình để lại rồi tiêu xài thoải mái thì nó khác với việc “kế thừa”. Kế thừa là tiếp nhận hoài bão và tiếp tục thực hiện hoài bão đó, tiếp tục di sản của thế hệ đi trước, không coi là của mình, mà coi là của thế hệ đi sau mình để phát huy di sản và chuyển giao cho thế hệ kế tiếp một cách đầy đủ, trọn vẹn. Đó là một sự nỗ lực, hy sinh vì di sản càng lớn thì đòi hỏi năng lực và thách thức càng nhiều.
Cả Ngọc Bích và Uyên Phương khi bắt đầu làm việc tại công ty gia đình đều đã có sự chuẩn bị về mặt tinh thần và chấp nhận đi lên từ vị trí nhân viên để học tập và trải nghiệm. Sự nỗ lực đôi khi phải gấp nhiều lần nhân viên bình thường, thì mới được tôi và công ty ghi nhận và bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn, quan trọng hơn và nhiều thách thức hơn. Những trải nghiệm như vậy giúp cho các con của chúng tôi được trang bị kiến thức, năng lực và kinh nghiệm sống, vì công ty càng ngày càng lớn thì tính phức tạp càng ngày càng cao. Có thể nói là các con của chúng tôi cũng đã chịu nhiều thách thức và hy sinh.
Bà Phạm Thị Nụ: Tôi luôn động viên các con tôi phải cố gắng học cho thật giỏi để đem kiến thức của mình cống hiến cho xã hội. Trước nhất là giúp đỡ cho cha mình, rồi giúp đỡ cho công việc, cho bản thân mình và mọi người xung quanh như là lời cám ơn. Khi các con ăn học thành tài rồi thì cũng quay trở về làm cho công ty, nơi nuôi dưỡng con đường học tập, mang lại việc làm cho mình để đồng hành cùng cha mẹ phục vụ cho người tiêu dùng, rộng hơn là phục vụ cho xã hội.
Mỹ Huyền/ theo TBKTSG Online