Linh Anh/ CafeF
Trái ngược với hy vọng của rất nhiều người, năm 2022 không thể trở thành năm bùng nổ hậu đại dịch Covid-19. Thay vào đó, các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt những sóng gió mới từ môi trường đầu tư, kinh doanh bị xáo trộn, đứt đoạn do những diễn biến từ tình hình địa chính trị toàn cầu tác động lên chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa, vật tư. Doanh nghiệp Việt không nằm ngoài số đó.
“Cuộc xung đột ở Nga và Ukraine có thể làm tăng lạm phát khi giá nguyên vật liệu, giá nhiên liệu tăng phi mã. Trong khi đó, trái với kỳ vọng của nhiều người, nhu cầu của thị trường sẽ không ngay lập tức phục hồi trở lại mức trước dịch mà sẽ trở lại một cách từ từ”, chị Trần Uyên Phương nhận định.
Trong những năm đầu đại dịch, đa số các đối tượng bị ảnh hưởng là các doanh nghiệp mới thành lập, các startup. Tuy nhiên, những khó khăn kéo dài suốt hơn 2 năm qua đã khiến cả những doanh nghiệp đã tồn tại suốt nhiều chục năm “ngấm đòn”. Làn sóng người lao động hồi hương sau đại dịch chỉ là một trong những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt.
“Sau Covid-19, các doanh nghiệp mong đợi nguyên vật liệu, phí dịch vụ sẽ giảm nhiệt. Tuy nhiên, từ sau Tết tới nay, thông tin dự báo và cả tình hình thực tế đều cho thấy mọi thứ đã và sẽ tăng giá mạnh. Dù giá ở thời điểm này đã nhích lên nhưng các dự báo cho thấy giá có thể cao hơn nữa, thậm chí là tăng chưa biết đến khi nào mới ngừng lại. Đó là những thứ không chắc chắn, gây tác động trực tiếp tới doanh nghiệp”, chị Trần Uyên Phương chia sẻ.
Trong điều kiện bình thường, chỉ một trong số những khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng nguồn lao động, chi phí giá vật tư, vật liệu tăng vọt cùng với nguy cơ lạm phát… đều có thể khiến các doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là tất cả những khó khăn này xuất hiện đồng thời ở một thời điểm. Chính bởi thế, Phó giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tin rằng giải những bài toán này là áp lực lớn nhất nhưng cũng là cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Để giải được bài toán này, doanh nghiệp cần phải đạt 2 mục tiêu cùng lúc: Duy trì tăng trưởng và thay đổi trong bộ máy tổ chức. Đó là thách thức không chỉ đòi hỏi quyết tâm, sự chung sức đồng lòng của cả một bộ máy và cũng đòi hỏi sự sát cánh của lãnh đạo với từng hoạt động hàng ngày.
“Việc lèo lái một doanh nghiệp thực sự là hoạt động hàng ngày. Các yếu tố bên ngoài, tác động tới doanh nghiệp diễn ra liên tục, biến động theo từng giờ, từng ngày. Sẽ không có công thức nào để thành công bởi nếu có, người ta chỉ cần copy và có thể trở thành một Tân Hiệp Phát khác”, chị Trần Uyên Phương chia sẻ.
Trước những khó khăn, thách thức mang tính “bất khả kháng” từ thị trường quốc tế, việc tăng giá sản phẩm là điều mà các doanh nghiệp có lẽ đều đã phải tính đến. Tuy nhiên, chị Phương cho rằng kế hoạch tăng giá đó phải làm sao để hợp lý và mang lại thêm những giá trị gia tăng cho người dùng. Thậm chí, trong trường hợp buộc lòng phải tăng giá, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo người tiêu dùng sẽ được nhiều hơn so với những gì họ bỏ ra, đặc biệt là với lĩnh vực kinh doanh nước giải khát như Tân Hiệp Phát.
“Giá là yếu tố nhạy cảm. Một sản phẩm của chúng tôi có giá từ 8-12 nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu tăng giá sản phẩm lên 15 nghìn thôi, nó sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất lớn tới nhu cầu hàng ngày, tới thói quen ăn uống của nhiều gia đình. Chính vì thế, làm sao để có được giải pháp, giữ ổn định giá hoặc tạo thêm những giá trị gia tăng cho người dùng trong trường hợp tăng giá là thách thức lớn”, chị Trần Uyên Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát có thể tìm được lời giải cho bài toán khó này từ chính triết lý sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp suốt nhiều thập niên qua. Đó cũng chính là điều giúp Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương có thể tự tin đạt “mục tiêu kép” vừa tăng trưởng, vừa đảm bảo sự thay đổi trong bộ máy giữa lúc khó khăn bủa vây.
“Điều mà Tân Hiệp Phát tự hào là chúng tôi luôn là một doanh nghiệp không có sự xa xỉ trong đầu tư. Chúng tôi không bao giờ dùng 2 mũi tên bắn một con chim mà phải dùng 1 mũi tên hạ 2 con chim. Bài toán chúng tôi đặt ra không chỉ là giải khát mà còn cần phải bổ sung dưỡng chất, lợi ích gì đó cho người tiêu dùng. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục duy trì những chính sách nhằm đem lại thêm lợi ích cho hệ thống phân phối. Ngay cả khi chịu những tác động liên hoàn từ nguyên vật liệu và các chi phí khác, sản phẩm vẫn sẽ ổn định tới tay người tiêu dùng”, chị Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo đời sống cho người lao động cũng là một trong những mục tiêu được chú trọng. Trong thời gian thực hiện 3 tại chỗ, Tân Hiệp Phát đã chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, đảm bảo an toàn và cả thu nhập cho những người lao động. Bây giờ, Tân Hiệp Phát luôn xác định rõ không phải vực dậy sau đại dịch mà doanh nghiệp đang trải qua quá trình sống chung với dịch.
Trong khi doanh nghiệp đương đầu với nỗi lo lạm phát, người lao động chắc chắn cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu, chi phí sinh hoạt gia tăng…. Tuy nhiên, chính giai đoạn hiện nay, tạo dựng niềm tin cho người lao động trở thành giải pháp then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi cam kết không cắt giảm lương, thưởng của mọi người. Ngay cả khi lạm phát xảy ra, phúc lợi của người lao động không những không giảm mà còn được nâng lên để bù đắp lại ảnh hưởng, để họ không còn phải lo lắng. Giữ vững khả năng cạnh tranh nhưng không để ảnh hưởng tới đời sống người lao động là bài toán khó mà từng khối phải tìm ra lời giải”, chị Trần Uyên Phương nhấn mạnh.
Đây cũng chính là lý do mà doanh nghiệp luôn phải tìm ra giải pháp và sự sáng tạo. Phục vụ được nhu cầu của thị trường, thỏa mãn mong muốn của người tiêu dùng và đảm bảo được đời sống cho người lao động chính là giá trị mà Tân Hiệp Phát luôn cảm thấy hứng khởi thông qua sản phẩm mình tạo ra.
Trước những diễn biến hoàn toàn không thể lường trước từ thị trường, chị trần Uyên Phương cho rằng lúc này là thời điểm cần “dập lửa cháy nhà” chứ không phải nghĩ tới việc xây dựng ngôi nhà mới ra sao. Người lãnh đạo không chỉ cần nhìn ra khó khăn, thách thức với doanh nghiệp mà còn phải tìm ra giải pháp khắc phục điều đó.
“Những gì đang diễn ra hiện nay tạo thêm hàng loạt tác động mới tới doanh nghiệp nên phải từng bước đi tới. Không thể nào hão huyền rằng chúng ta sẽ bùng nổ vượt cả khả năng hấp thụ của thị trường”, chị Phương nói.
Chính bởi thực tế đó, bài toán tăng trưởng trở thành thách thức lớn nhất. Những nhà quản lý, những người lãnh đạo, không ai là không hăm hở cho tăng trưởng. Khi một doanh nghiệp không tăng trưởng, đó là sự căng thẳng chứ không chỉ là nỗi buồn. Yếu tố tăng trưởng cũng sẽ là then chốt để đảm bảo giá thành được duy trì ở mức hợp lý khi mọi chi phí khác đều phi mã. Ngoài ra, mỗi cá nhân ở Tân Hiệp Phát cũng cần phải tự trang bị, nâng cao năng lực hàng ngày để có thể nhanh chóng đáp ứng được những đòi hỏi mới.
“Đặc thù của Tân Hiệp Phát là văn hóa học hỏi. Nó được tạo ra từ người đứng đầu với tâm niệm lãnh đạo làm gương. Không ai nhìn xem người đứng đầu, các quản lý cấp cao bao nhiêu tuổi mà cả hệ thống sẽ nhìn xem khả năng học hỏi của họ ở mức độ nào. Những gì của ngày hôm nay có thể đã lạc hậu để giải quyết các vấn đề của ngày mai”, chị Trần Uyên Phương chia sẻ về văn hóa lãnh đạo làm gương ở Tân Hiệp Phát.
Chính bởi những đòi hỏi không ngừng trong việc thay đổi cũng tạo nên cho người Tân Hiệp Phát tâm niệm phải luôn nỗ lực, luôn thay đổi và không ai hoàn hảo. Các lớp đào tạo, tương tác cùng việc lắng nghe nhân viên sẽ khiến những người luôn cho rằng họ đúng, họ là tốt nhất cũng phải thay đổi. Đó chính là chìa khóa để thành công.
Bản thân chị Phương cũng nhận định rằng điều làm nên Tân Hiệp Phát của hôm nay chính là nhờ vượt qua bao khó khăn thử thách. Tuy nhiên, việc đương đầu với những thách thức liên tiếp đã tạo lên cho đội ngũ quản lý của Tân Hiệp Phát một niềm tin mãnh liệt vào tổ chức, điều giúp họ vượt qua tất cả trên con đường phát triển.
“Đội ngũ quản lý của Tân Hiệp Phát luôn có niềm tin mãnh liệt rằng rằng tổ chức đang làm điều đúng đắn. Khi tất cả bộ máy đều tin vào điều đó, họ cũng sẽ tin rằng những gì mà họ đang thay đổi sẽ tạo ra tương lai thực sự tiến lên. Họ tin vào định hướng của tổ chức. Đó là những cái làm cho họ nỗ lực và gắn bó”, Trần Uyên Phương chia sẻ.
Với niềm tin đó, doanh nghiệp có thể đi chậm hay thậm chí là đi lùi nhưng sẽ không bao giờ đổ vỡ. Không một doanh nghiệp nào có thể đều đều tiến lên phía trước. Với niềm tin, mọi người đều hiểu rõ định hướng họ làm là đúng, từ đó nảy sinh sức mạnh cũng như sự thấu hiểu thay đổi là cần thiết, cả trong công việc thường ngày hay tiếp nhận những điều mới như chuyển đổi số.
Cũng bởi sự tin tưởng, những thách thức được biến thành cơ hội.
“Trong khi các yếu tố bên ngoài hoàn toàn không thể được kiểm soát, chúng tôi luôn giữ vững tâm thế đánh giá những gì đang xảy ra và có cách phản ứng kịp thời. Năm 2022 sẽ như vậy chứ không phải tổng lực tấn công. 90% quản lý cấp trung và cao của chúng tôi tin rằng, sự dẫn dắt của ban lãnh đạo kết hợp với việc lường trước những biến cố hiện nay từ 2 năm trước, Tân Hiệp Phát sẽ vượt qua thách thức dù nó có thể khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những dự báo được ghi trên giấy”, chị Trần Uyên Phương chia sẻ.