Vòng đời không bao giờ khép lại của nhựa ở Tân Hiệp Phát: Kinh tế tuần hoàn giúp nhựa không bao giờ là… rác

Linh Anh, Hải An/ CafeF
 

Tân Hiệp Phát chọn cách biến nhựa đã qua sử dụng trở thành nguyên liệu của một ngành công nghiệp khác bên cạnh những nỗ lực giảm nhựa trong chính hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình – điều mà PTGĐ Trần Uyên Phương mô tả là hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn.

Trong 10 năm qua, Tân Hiệp Phát đã giảm được 70.000 tấn nhựa nhờ những cải tiến trong hoạt động sản xuất. Giai đoạn 2013-2018, doanh nghiệp giảm được 20.000 tấn nhựa nhưng con số đã tăng 2,5 lần trong giai đoạn 2018-nay. Cho dù kết quả đạt được là đột phá nhưng Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương nhấn mạnh nền tảng của những thành tựu đó là một quá trình gắn liền với chiến lược nhất quán của công ty.

“Khi làm bất cứ việc gì, chúng tôi đều tính toán chi tiết tới nguồn tài nguyên  mình sẽ sử dụng. Mọi thứ đều được lên kế hoạch chi tiết và chúng tôi có hẳn một bộ phận nghiên cứu chỉ để tìm ra cách thức hiệu quả nhất về mặt tiết kiệm năng lượng và tài nguyên ở tất cả mọi quy trình. Chúng tôi luôn đặt câu hỏi mình sẽ tiết kiệm năng lượng thế nào, tiết kiệm nguyên vật liệu ra sao…. Mặc dù đây là tiêu chí khó nhưng là những điều kiện cần khi phát triển dự án mới tại THP”, chị Phương nói.

 

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành F&B, một trong những tiêu chí hàng đầu mà Tân Hiệp Phát đặt ra cho chính mình chính là phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. “Tại chính Tân Hiệp Phát, chúng tôi thành lập nhóm nghiên cứu, phản biện với mục tiêu tìm câu trả lời cho câu hỏi có nên thay thế hoàn toàn nhựa hay không và có thể làm gì để bảo vệ môi trường trước tình trạng nhựa dùng 1 lần bị thải tràn lan? Câu trả lời không nằm ở nhựa”, Trần Uyên Phương chia sẻ.

Vậy, câu trả lời cho câu hỏi trên nằm ở đâu? Đó chính là nỗ lực tái chế nhựa và thông qua đó, nâng cao nhận thức của người dùng về việc phân loại nhựa đã qua sử dụng.

“Chúng tôi đặt câu hỏi nhựa đã qua sử dụng có thể dùng vào việc gì trong hoạt động của nhà máy hiện nay. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa quyết định đưa nhựa tái chế vào trộn để làm thành chai nhựa nhưng có thể làm được những vật dụng khác. Đó là dùng làm đầu vào cho ngành công nghiệp khác cụ thể như pallet (phục vụ vận chuyển sản phẩm) hoặc bao rác, những thứ đóng vai trò khá quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tân Hiệp Phát”, chị Phương chia sẻ.

Tân Hiệp Phát đã đưa vào khai thác nhà máy tái chế trị giá 100 tỷ ngay trong khuôn viên tổ hợp sản xuất tại Hậu Giang. Những tấm pallet đầu tiên cũng ra lò trong giai đoạn doanh nghiệp cả nước chật vật với mục tiêu vừa phải đảm bảo sản xuất, vừa ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.

Trước và ngay cả trong giai đoạn khó khăn sản xuất 3 tại chỗ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, Tân Hiệp Phát vẫn quyết liệt đẩy nhanh quá trình thay đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu và các kế hoạch đã được duyệt của tổ chức nhiều nhất có thể ví dụ: dự án Ariba, nhà máy sản xuất pallette, eform, chữ kí điện tử, …

“Để có những chiếc vỏ chai mỏng hơn, nhiều công đoạn sản xuất chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn về công nghệ. Những cải tiến tưởng như nhỏ nhưng khiến cả dây chuyền sản xuất thay đổi, từ máy móc tới hệ thống phụ trợ. Cùng với đó, con người cũng cần được đào tạo lại để phù hợp với chuẩn mới mà công nghệ yêu cầu”, chị Phương chia sẻ.

Như một lẽ tất yếu, việc thay đổi kéo theo những khoản chi phí đầu tư mà doanh nghiệp phải trả. Lý giải cho việc sẵn sàng đầu tư để đạt mục tiêu xanh ngay cả trong thời điểm đại dịch bùng phát, Phương nhấn mạnh vào khát vọng của doanh nghiệp.

“Tân Hiệp Phát luôn nuôi dưỡng khát vọng để tạo ra một doanh nghiệp có thể vươn tầm khu vực. Để đạt được điều đó, chúng tôi buộc phải đạt tiêu chuẩn mà cả khu vực đang tuân theo. Bởi vậy, việc tự cải tiến, nâng cấp và so sánh với những chuẩn toàn cầu là yêu cầu bắt buộc mà chúng tôi thực hiện hàng năm “, chị Phương chia sẻ.

Điều này cũng phù hợp với “Văn hóa học hỏi, hôm nay phải hơn hôm qua và không bằng ngày mai” của Tân Hiệp Phát. Khi đưa ra những thay đổi, chắc chắn sẽ có khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tinh thần không gì là không thể, thấm nhuần trong từng con người Tân Hiệp Phát, giúp hiện thực hóa những nhiệm vụ mà mình tự đóng khung là “không thể thực hiện được”.

Bên cạnh đó, những thay đổi này cũng mang lại lợi ích về tiết kiệm năng lượng, qua đó giảm thiểu chi phí sản xuất và giảm sử dụng các nguồn tài nguyên. Điều này cũng giúp từng con người của Tân Hiệp Phát thấm nhuần tư tưởng bảo vệ môi trường thông qua chính công việc mà họ thực hiện hàng ngày.

“Ở Tân Hiệp Phát, có những thùng rác để phân loại rác thải ngay từ nguồn. Những chiếc thùng, túi nilon dựng rác cũng do chính nhà máy tái chế làm ra. Tuy nhiên, tôi đánh giá thay đổi quan trọng nhất chính là việc mọi người hàng ngày, hàng tháng đều phải tự xem xét lại quy trình sản xuất, tìm ra những khâu có khả năng tiết kiệm nguyên liệu để giảm tác động tới môi trường. Đó mới là điểm mấu chốt. Và việc phân loại này chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều điểm cần được tiếp tục cải tiến”, chị Phương nói.

Việc từng người lao động của Tân Hiệp Phát đều có thể nhìn thấy, sử dụng những thành quả từ quá trình theo đuổi kinh tế tuần hoàn giúp họ nhận thức rõ hơn về quyết tâm của doanh nghiệp, qua đó có cách ứng xử phù hợp với nhựa đã qua sử dụng: Nếu vứt ra đường hay chỉ thu gom lại thì chúng vẫn là rác, nhưng khi tiến hành tái chế, chúng trở thành nguyên liệu của một ngành công nghiệp khác.

 
Ở thời điểm hiện tại, Bộ tài nguyên môi trường đang phát động phong trào kinh kế tuần hoàn. THP nhận thấy nổ lực của chúng tôi đang đúng hướng và sẵn sàng tiên phong để cùng tạo ra những chương trình mang lại hiệu quả. Theo chia sẻ của chị Phương, nhà máy tái chế tại Hậu Giang không chỉ giúp tái chế nhựa cho Tân Hiệp Phát mà còn có thể phục vụ nhu cầu của nhiều doanh nghiệp khác. Sản phẩm tạo ra lại tiếp tục đóng góp cho quá trình sản xuất dù chúng không còn đủ tiêu chuẩn để trở thành nguyên liệu cho ngành bao bì của THP vì chúng tôi vẫn chưa dùng đến nhựa tái sinh.
 

“Chúng tôi tạo ra một quy trình mà thông qua nó có thể mang đến một cuộc đời không giới hạn cho nhựa. Sẽ không có rác thải nhựa mà nó là nguyên liệu của một ngành công nghiệp khác nếu được ứng xử đúng cách”, Phó TGD Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương cho biết thêm, từ những chiếc vỏ chai đã qua sử dụng, Tân Hiệp Phát có thể tạo ra những tấm pallet. Khi pallet hỏng, chúng có thể tiếp tục được tái chế hoặc tạo thành một sản phẩm khác như xô, chậu, bàn, ghế….

Đây cũng được xem là yếu tố then chốt trong hành trình theo đuổi kinh tế tuần hoàn của Tân Hiệp Phát. Một chu trình khép kín sẽ giúp không chiếc chai nhựa nào bị vứt ra môi trường để rồi đe dọa cuộc sống con người, các loài động, thực vật.

Link: https://cafef.vn/vong-doi-khong-bao-gio-khep-lai-cua-nhua-o-tan-hiep-phat-kinh-te-tuan-hoan-giup-nhua-khong-bao-gio-la-rac-20220602151635561.chn

Admin: